Đung đưa nhịp gùi
Thật khó quên cái buổi chiều ngồi trên nhà rông làng Plei Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), nghe bạn ngâm nga: “Mẹ mang cái gùi suốt tháng năm. Tháng năm dần trôi, gùi không mỏi. Mẹ gùi cái bầu nước. Mẹ gùi cái lúa để ăn... Một đời mẹ bao nhiêu đời gùi”. Từ những câu thơ của tác giả Rơ Chăm Long, hình bóng chiếc gùi cứ đung đưa trong tâm trí mọi người...
Và tôi nhớ lại cái lần đỡ chiếc gùi nặng trĩu giúp Y May (một phụ nữ Ba Na ở làng Plei Đôn) trước cổng Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum. Một cái gùi đầy bắp nếp làm còng tấm lưng gầy gò. Xung quanh tôi là những cái gùi nặng như muốn uốn cong lưng người phụ nữ.
Dù đã quá quen mắt với những chiếc gùi, thế nhưng khi nhìn gần, sờ lên thân gùi đã đen bóng bởi mồ hôi và thời gian, tôi vẫn thấy run run, như mình vừa chạm đến một miền huyền thoại, vượt qua thể vật chất bằng mây tre kia. Và trong đầu miên man nghĩ đến câu chuyện dài qua nhiều thế hệ về đời người - đời gùi ấy...
Mà chẳng riêng gì con đường phố thị kia đâu, mà ở bất cứ đâu, chỗ nào có Plei, có Kon, Đăk (làng) thì ở đó có bóng dáng của chiếc gùi. Nó hiện ra hàng ngày, theo bước chân người từ cửa rừng, mảnh ruộng. Đã bao đời, gùi theo người đi rẫy, đi ruộng; gùi theo người vào rừng, xuống suối, ra sông.
Phụ nữ đi rẫy, chiếc gùi đung đưa nhè nhẹ theo nhịp chân bước. Trong gùi có phần cơm trưa, quả bầu khô đựng nước, chiếc rựa... Chiều về, trong gùi lấp ló mớ rau rừng tươi non, trái bắp chuối tím đỏ, mớ cà đắng xanh giòn, những thức quà có được từ núi rừng. Có khi trong gùi là bó ngo chẻ nhỏ, bằng bặn, đều tăm tắp.
Đàn ông đi săn, klet sau lưng có 3 ngăn ôm trọn lấy lưng để dễ luồn lách, leo trèo trong rừng, trong 3 ngăn gùi có đủ đồ dùng cho những ngày lang thang đây đó. Khi về có khi chỉ là bắp, lá rừng, trái bí, củi, măng, đót, cũng có khi là con gà rừng, con dúi...
Có buổi chiều nào đó, hoàng hôn loáng đỏ giọt nước đầu làng Kon Tum Kơ Nâm (thành phố Kon Tum), các cô gái hạ gùi bên bờ, cùng nhau giặt giũ, tắm gội. Ráng chiều rực rỡ trên những mái tóc đen dài óng nước, trên bờ vai trần; những ánh mắt long lanh, những nụ cười tươi tắn làm anh chàng đang lang thang tìm ý tưởng mới cho bộ sưu tập ảnh của mình ngơ ngẩn quên cả lối về.
Rồi những chiếc gùi lại đung đưa trên lưng theo các cô gái về làng. Trong gùi xếp đầy những quả bầu khô đựng nước mát ngọt. Chiếc gùi không làm mất đi vẻ duyên dáng đáng yêu của các cô gái, mà ngược lại, khiến chàng nghệ sĩ nhìn ra sự chịu thương chịu khó của người đeo nó.
Vậy đấy, cư dân các dân tộc thiểu số ở Kon Tum khi ra khỏi nhà là mang theo cái gùi. Trong mỗi gia đình, mỗi người có gùi riêng của mình, là vật dụng đã được “cá thể hóa”. Nhưng gắn bó với gùi hơn cả, gần như hết cuộc đời, vẫn là người phụ nữ. Như câu thơ của tác giả Rơ Chăm Long, “một đời mẹ bao nhiêu đời gùi”, những mẹ, những chị, những em ấy, từ 4-5 tuổi đã thấy chiếc gùi be bé trên lưng, đến 60-70 tuổi rồi vẫn thấy cõng gùi trên đường.
Cho đến khi nằm một chỗ trên giường thì đôi vai gầy mới tạm rời chiếc gùi, và chỉ đến khi chết đi thì mới vĩnh biệt chiếc gùi. Suốt cuộc đời, họ gùi cả nương đồi, núi cao, rừng thẫm, suối sông, thung sâu; gùi mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây.
Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy, gùi không chỉ là phương tiện để vận chuyển hàng hóa, mà còn là “tác phẩm mỹ thuật", bởi trên đó trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó.
|
Tôi đã mất cả ngày trời lê la ở làng Rắc (huyện Sa Thầy) để xem già A Bư đan gùi của người Ja Rai, mò mẫm cả ngày ở làng Kon Kơ Tu (thành phố Kon Tum) để xem A Hung chuốt nan và giảng giải về kỹ thuật đan gùi của người Ba Na.
A Hung giới thiệu bài bản như đang đứng trước du khách Á Âu: Nguyên liệu dùng để đan gùi là tre và các loài cây thuộc họ tre, nứa và mây. Để nguyên liệu không bị mối mọt, đồng bào thường chặt tre nứa vào cuối tháng âm lịch, những ngày không có trăng và thường vào mùa khô, chỉ chặt loại bánh tẻ (không còn non nhưng chưa già quá). Riêng mây là loại vật liệu khó kiếm nên lúc đi rừng nếu gặp đồng bào thường lấy về đặt trên gác bếp để dùng khi cần.
Do việc vót nan mất nhiều thời gian và rất tỉ mỉ nên khi rảnh rỗi, người đàn ông trong nhà thường chẻ, vót nan để sẵn trên gác bếp, khi cần dùng mới đem ngâm nước, để ráo cho mềm rồi mới đan. Nan đan gùi phần lớn dùng nan cật, rất ít khi dùng nan mặt lòng.
Còn già A Bư cũng từng giảng giải: Tùy theo từng tộc người mà hình dáng, trang trí hoa văn, cách đan đế gùi, nắp gùi có cấu tạo khác nhau. Song dù là gùi của người Ba Na, Xê Đăng hay Ja Rai, Giẻ - Triêng, Rơ Măm... đều có 3 bộ phận chính là thân, đế và quai gùi. Gùi thường cao 50-70cm, thân có dáng trụ tròn, thuôn dần về đáy. Đáy nhỏ hơn miệng, hình tròn, hình chữ nhật hoặc hình vuông; miệng gùi hình tròn. Gùi được đan theo một số kiểu: Đan nan ngang với các dạng lóng mốt, lóng đôi hay lóng mốt lóng ba; kiểu đan nan chéo; kiểu đan mắt cáo…
Hoa văn trang trí được tạo bằng cách đan cài các sợi nan đã được nhuộm màu bằng nhựa cây rừng, hoặc các nan cùng màu bằng cách lật mặt cật hoặc mặt lòng để có hai màu khác nhau. Các dải hoa văn thường nằm gần miệng, gần đáy hoặc giữa thân gùi, chủ yếu là các đường chỉ đen, hình thoi và vạch chéo nhau...
Và tôi nhận ra một điều rằng, “gia đình” nhà gùi thật phong phú vô cùng. Đều gọi là gùi, nhưng lại có nhiều loại khác nhau, nhiều tên gọi khác nhau, theo kiểu dáng, công dụng và kích cỡ.
Bạn không tin ư? Này nhé, có loại gùi được đan khá công phu, có nắp, được đan 2 hoặc 3 lớp dùng đựng quần áo, vải vóc, như chiếc rương nhà mình vậy; có loại gùi nhỏ đan hoàn toàn bằng mây, đàn ông dùng khi đi rẫy, đi săn, khi mang ôm gọn sau lưng như những chiếc ba lô (klet, chui), thuận tiện khi chui, luồn trong rừng; có loại gùi một lớp được đan dày dùng đựng hoặc cõng lúa gạo; có gùi đan thưa để đi lấy củi, rau, măng, lấy nước; có loại gùi nhỏ (teo) dùng khi trỉa lúa, tuốt lúa; có gùi cho người lớn, gùi cho trẻ em…
Cho đến tận hôm nay, nhiều gia đình đã có xe đạp, xe máy, nhưng chiếc gùi vẫn là hình ảnh thường thấy hàng ngày ở Kon Tum. Đến đi chợ mà vẫn không muốn rời khỏi chiếc gùi, xuống phố mà vẫn cứ an nhiên với chiếc gùi. Xe cộ xuôi ngược chảy theo dòng dưới lòng đường, thì những người phụ nữ với chiếc gùi trên lưng xuôi ngược theo dòng của họ trên vỉa hè. Họ đi lặng lẽ, có khi trên lưng là cả một gùi vui, hoặc có thể là cả một gùi buồn.
Và không biết có chủ quan không, khi tôi tin rằng, dù có người muốn đổi túi da, ba lô hàng hiệu của Ý, Hàn, Mỹ, Pháp… lấy cái gùi của Y May chưa chắc gì cô đã đồng ý, bởi với cái gùi đơn sơ, họ đã gùi từ quá khứ cho đến hiện tại, và cả tương lai, hẳn vậy.
Thế thì tác giả Rơ Chăm Long mới có được những câu thơ da diết đến nhường này: “Cứ thế dần trôi. Mẹ gùi không mỏi. Đêm ngủ mẹ lại nằm mơ thấy cái gùi. Mơ gương mặt con. Ôi, cái gùi của mẹ!”...
Thành Hưng