Đưa cồng chiêng vào trường học
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 427 đội nghệ nhân cồng chiêng ở các làng và mỗi năm tham gia biểu diễn, truyền dạy cho khoảng 1.000 học viên; trong đó, hơn 70% người học là học sinh ở các trường. Văn hóa cồng chiêng được đưa vào trường học, góp phần khơi dậy niềm tự hào và giáo dục, giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.
Khoảng 7 năm trở lại đây, ở các trường học trong tỉnh, hoạt động ngoại khóa hát múa dân ca, múa xoang và đánh cồng chiêng dành cho các em học sinh được tổ chức thường xuyên. Ở thành phố Kon Tum, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, học sinh có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ văn hóa – văn nghệ đa dạng; nhưng điều đáng quý, các em luôn được các thầy cô giáo, cũng như phụ huynh quan tâm động viên, khuyến khích tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc thiểu số.
Tự hào về nhiều học trò của trường sử dụng thành thạo cồng chiêng, thầy Hoàng Văn Ba - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh ở phường Thắng Lợi chia sẻ: Từ năm 2003 đến nay, vào các ngày lẻ trong tuần, giờ sinh hoạt lớp đầu buổi học, các cô giáo phối hợp với nghệ nhân người dân tộc thiểu số mời từ các làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Ktu, Kon Jri… tổ chức cho các em tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc, hướng dẫn tấu chiêng, đánh cồng. Đến các dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tỉnh, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, cho các em trổ tài thi múa hát đến biểu diễn cồng chiêng giữa các lớp. Dần dà, số em biết đánh cồng chiêng, tự tin chơi nhạc cụ dân tộc ngày càng tăng. Không chỉ ở trường, mà trở về sinh hoạt đời thường ở làng, các em còn được nghệ nhân tiếp tục truyền dạy văn hóa dân tộc, nhiều em trở thành nghệ nhân nhí của các đội cồng chiêng trong thôn.
|
Tin vui nối tiếp khi học sinh của trường tham gia “Liên hoan Cồng chiêng - múa xoang, trình diễn trang phục dân tộc thiểu số lần thứ IV/2017” do ngành GD&ĐT Kon Tum tổ chức vào tháng 4 vừa qua đã đạt giải A trình diễn cồng chiêng, Đội xoang duyên dáng nhất; học sinh tiểu học biểu diễn xuất sắc; có trang phục dân tộc đẹp nhất.
Không chỉ ở thành phố Kon Tum, học sinh vùng sâu vùng xa càng có nhiều thuận lợi hơn để tiếp cận, tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của làng. Em A Dưng – học sinh lớp 11B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông khoe: Các thầy cô giáo hay tổ chức cho tụi em sinh hoạt tập thể vào buổi sáng thứ Hai trong suốt năm học. Chương trình chủ yếu là ca múa nhạc dân tộc, lần lượt các lớp cử các bạn đại diện lên biểu diễn múa, hát, trổ tài biểu diễn đánh cồng chiêng, thổi sáo và kể chuyện ngụ ngôn dân tộc. Môi trường học tập ở nội trú, tụi em cũng hay giao lưu với nhau. Đó là các buổi tối chuẩn bị bài vở xong sớm cho hôm sau, các thầy cô trực huy động các bạn ra sân trường, dưới ánh trăng tụ họp đánh đàn ghi ta, múa xoang, hát nhạc dân tộc… Tụi em thấy ấm áp, đỡ nhớ nhà hơn.
A Dưng cho biết thêm, mỗi lớp có 1 đội cồng chiêng riêng để tham gia thi biểu diễn cồng chiêng ở trường do Đoàn trường tổ chức hàng năm. Năm học 2016 vừa qua, lần đầu tiên Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi cồng chiêng cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn toàn tỉnh, Trường của A Dưng có gần 100 bạn tham gia luyện tập, tranh tài biểu diễn tiết mục múa hát “Mừng lễ hội được mùa” đạt giải nhì toàn đoàn.
|
Đưa văn hóa cồng chiêng đến với trường học, trong đó phải kể đến công lao của các giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ và nhiều nghệ nhân ở các thôn làng. Nhiều nghệ nhân tâm sự, họ đến trường truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh không phải vì những khoản kinh phí nho nhỏ được chi trả, mà với mong muốn con cháu bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc.
Ngoài việc đưa cồng chiêng vào trường học, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện chương trình dạy tiếng Ba Na, Ja Rai ở các trường học vùng dân tộc thiểu số; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng đến khôi phục văn hóa dân gian các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Mai Trâm