Đọc “Tục ngữ - Thành ngữ Bahnar Kon Tum”
Tập sách dày 96 trang, gồm 559 câu tục ngữ, thành ngữ của đồng bào Ba Na Kon Tum (dĩ nhiên con số này là bước đầu sưu tập, chưa phải là đầy đủ), nhà nghiên cứu A Jar sưu tầm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum ấn hành, tháng 10/2017.
Vì là người được giao việc chỉnh lý bản dịch (từ bản dịch văn xuôi nguyên nghĩa thành câu có vần điệu hoặc tinh gọn theo yêu cầu của thể loại văn học), chúng tôi có một số cảm nhận thú vị sau đây.
Đây là lần đầu tiên cái “túi khôn nhân loại” (như định nghĩa thường nghe) trong kho tàng văn học dân gian của một cộng đồng thiểu số ở Kon Tum được tập hợp và ấn hành tương đối dày dặn. Mặc dù đó đây trong tập sách cũng còn đôi chuyện phải bàn, nhưng như vậy đã là điều vô cùng trân trọng và đáng quí mà lâu nay nhiều người trông đợi.
Những câu nói ngắn gọn, vần vè, lấy hiện tượng thực tế, tự nhiên để truyền tải nội hàm tổng hợp về kinh nghiệm sống, phê phán thói đời, hoặc răn dạy con người… được người Ba Na vận dụng rất phong phú, linh hoạt, đầy sức gợi tứ và giàu biểu cảm.
Trừ những câu có ý tưởng và cách lập ngôn trùng hợp hoặc na ná với lối tư duy của nhiều dân tộc khác, người đọc sẽ bắt gặp trong sách này nhiều câu chỉ có người Ba Na nói riêng, bà con thiểu số Tây Nguyên nói chung mới có. Ấy là những hình ảnh, những biểu tượng chỉ có ở miền núi, và nó cũng chỉ có từ cách cấu ý lập ngôn rất đặc trưng của bà con miền này, không vay mượn, không trộn lẫn vào đâu được.
Xin nhặt ra đây một ít câu ví dụ để bạn đọc thấy sự ý vị, tinh tế của bà con Ba Na qua “lời ăn tiếng nói thường ngày” (tức tục ngữ, thành ngữ):
Để nói về người biết chăm chút, lo toan, người Ba Na có câu: “Chân ngoài rừng, tay trong nhà”! – Chân còn đang bước ngoài đường mà đã nghĩ suy sắp đặt những chuyện cần phải làm ở nhà khi về đến nơi. Câu này nếu là người ở miền xuôi thì sẽ nói “Chân ngoài đồng tay trong nhà”. Yếu tố rừng là thực thể không gian sinh sống của người Ba Na, không vay mượn.
Hoặc câu: “Khỉ gặp khỉ lấy, vượn thấy vượn ăn” là nói sự công bằng, sòng phẳng ở đời. Con người ở đâu cũng sống với nguyên tác đạo lý ấy, nhưng ở đây người Ba Na đã lấy hình tượng khỉ và vượn là hai giống vật thường có ở núi rừng để làm biểu tượng để lập ý.
Còn câu: “Buồng chuối mà chặt hai lần” ý chỉ người lật lọng, tráo trở. Loại cây trái nào cũng có thể hái nhiều lần (vì nhiều quả) nhưng với chuối thì mỗi cây chỉ có một buồng, đã hứa chặt cho người này thì không thể hứa chặt cho người khác được – Một sản phẩm nông nghiệp và là một thực tế quá gần gũi với mọi người, có lẽ không ai phủ bác được.
Để ngợi ca người có kinh nghiệm sống, người Ba Na có câu: “Con gái lúa lép, bà góa lúa chắc” - Con gái dẫu đẹp xinh thì vẫn là người chưa đủ chín chắn để lo toan gia đình, chỉ có các bà đã có gia đình mới đủ kinh nghiệm vun vén cho hạnh phúc riêng tư - Một ý tưởng so sánh, ví von rất độc đáo, cũng dựa vào thực tế canh tác nông nghiệp mà ra.
Để biểu đạt tư tưởng “trọng nghĩa khinh tài” theo như kiểu nói của người miền xuôi, thì người Ba Na có câu: “Hiểu biết gọi bằng anh, giàu có gọi bằng em” - Đặt sự giàu có (mà thiếu văn hóa) xuống vai em, tôn sự hiểu biết lên hàng anh. Quả là một quan niệm sống rất “khinh thế ngạo vật” vậy.
Phát xuất từ thực tiễn mang tính đặc thù vùng miền, bà con miền núi ở xa biển nên muối ăn rất quý. Do vậy, để phê phán người lật đật (chứ không hẳn biết lo xa), người Ba Na có câu: “Chưa có muối đã lo kiếm bao”!
Còn nói về một người có tính trăng hoa thô bỉ, thích có nhiều mối tình nhưng từ chối bổn phận, trách nhiệm, thì từ công việc sản xuất nông nghiệp nương rẫy, người Ba Na lấy làm ví von: “Rẫy cũ bỏ hoang, rẫy mới bỏ cỏ” – Anh tham lam quá, đã có rẫy cũ còn tìm rẫy mới, nhưng rồi rẫy nào cũng bỏ hoang, bỏ cỏ, đáng lên án, phê phán.
Để khinh chê người đàn ông yếu hèn, không mạnh mẽ, quyết đoán, mọi sự cứ đùn đổ cho vợ con, người Ba Na có câu: “Mày lấy váy tao mặc, đưa khố mày cho tao” - Câu này diễn đạt lời người vợ nói với anh chồng “chẳng ra sao” của mình rằng có lẽ tôi với anh nên hoán đổi giới tính; anh thì mặc váy của tôi (để làm đàn bà), còn tôi phải mặc cái khổ của anh (để làm đàn ông).
Nói về một chân lý sống thì có câu: “Nặn cục đá không chảy ra nước, nặn bụng dê đực không đẻ ra con” là để khuyến cáo những người nuôi ảo tưởng, ảo vọng trong đời, như làm sao vắt đá ra nước hoặc trông chờ dê đực đẻ con?!
Từ hình ảnh những nhạc cụ truyền thống, người Ba Na lảy ra cách ví von rất hay để chỉ những con người khoác lác, huênh hoang, giả tạo, không thực chất: “Bụng rỗng như bụng trống, miệng nói lời cồng chiêng” – Lời nói thì réo rắt hay ho như cồng chiêng, nhưng thực chất con người thì rỗng như bụng trống cái.
Thật là những “lời châu ngọc” của người xưa truyền đời cho con cháu, là tinh hoa văn hóa một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chắc chắn cuốn sách sẽ làm vừa lòng bạn đọc Kon Tum.
|
Còn nhiều nữa, những câu tục ngữ, thành ngữ Ba Na đầy ý vị, mà mặc dù sống gần nhau, nhưng người thuộc các dân tộc anh em khác vì không nghe được ngôn ngữ, nên chưa “khám phá” ra hết cái hay cái đẹp của người anh em hàng ngày vẫn chung sống bên nhau.
Bắt gặp được những “tinh túy” trong cách nghĩ, cách sống của người Ba Na qua tục ngữ, thành ngữ của họ, khiến nhớ lại cách đánh giá về người Ba Na cách nay đã 80 năm của hai học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi trong công trình khảo cứu “Người Ba Na ở Kon Tum”: “Mục đích của chúng tôi… là muốn bày tỏ cho người đồng bang ta (tức người Việt – NV) hiểu phong tục của giống người mà ta gọi chung một tiếng “Mọi”. Ta sẽ thấy phong tục của họ chẳng mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều thuần túy hơn ta kia!”.
Tạ Văn Sỹ
Bình luận (1)