Đắng đót dã quỳ
Hồng Thủy Tiên in tập thơ đầu tay “Đoản khúc riêng mình” (NXB Lao động, 2010) khi vừa 22 tuổi. Nghĩa là vườn thơ đa hương sắc ở Kon Tum nay có thêm sự góp tiếng của một gương mặt nữ hãy còn rất trẻ. Mỗi sự xuất hiện một nhân tố mới đều đưa đến một niềm kỳ vọng.
Tập thơ 40 bài mỏng mảnh, dĩ nhiên không tránh khỏi thấp thoáng đâu đó những dấu tích non vụng của thời tập tễnh làm thơ ở tuổi học trò. Nhưng người đọc cũng dễ dàng bắt gặp rõ nét một hồn thơ giàu chất duy cảm: Cảm giác, cảm xúc, cảm nhận một cách nhặm nhạy, tinh tế...
Dễ thấy nhất ở Hồng Thủy Tiên là một hồn thơ giàu cảm tính. Cảm tính từ cảm xúc bản năng, tự nhiên của buổi đầu đời qua những câu thơ dẫu chưa “già dặn” như các bậc “liền anh liền chị” nhưng cũng đã lấp lánh một tư chất văn chương: “Ánh mắt anh/ Ru em ngủ vùi giữa thời thiếu nữ/… Giấc mơ màu áo voan cưới” (Ru); “Ban mai ngồi chờ phone/ Góc cà phê quán cóc/ Bâng khuâng nhớ ánh mắt/ Sưởi ấm ngày đông em.” (Ban mai); “Nếu như nụ hôn của anh/ Không say nồng tình yêu thắm thiết/ Thì em có mụ mị thế không”? (Tự khúc 1)…
Là nói thế thôi, chứ nếu cần vượt lên những cảm tính thường tình thì thơ của cây bút trẻ này cũng đầy chất suy tưởng như người nhiều trải nghiệm: “Em biết được những gì em cần/ Là anh/ Em biết được những gì em đánh mất/ Là anh/… Em nhắm mắt và ước…” (Tự khúc 1); “Hãy để em yêu với tất cả trái tim trẻ dại/ Với tất cả đắm say/ Và hạnh phúc là giọt nước mắt!” (Tự khúc 2); “Nồng nàn một tình yêu ngộ nhận/ Chỉ cần biết đắm say là có thật.” (Đà Lạt nhớ)… Cô gái trẻ cả tin đến độ “tự tin” mà tự đúc kết thành một thứ gần như định nghĩa tình yêu: -“Một ánh nhìn thành tất cả yêu thương!” (Sớm mai Đà Lạt)… Rõ là một định nghĩa đầy cảm tính, mà khốn nỗi, khó có người trẻ nào tránh khỏi!
Vượt lên những trạng huống tâm lý chung muôn thuở, tình yêu trong thơ Hồng Thủy Tiên thăng hoa với nhiều gam màu, nhiều cung bậc đạt độ biểu cảm tinh tế và rất thơ. Này là trước sóng biển: “Thả nỗi niềm/ Sóng cuộn/ Thả em vào anh/ Sóng dâng/… Tình yêu rót cong cong chân sóng” (Trước sóng); này là trước mùa thu đẹp: “Màu chớm thu là màu gì anh nhỉ/ … Anh nhìn em và mùa thu lặng lẽ/ Anh vẽ mùa thu hay vẽ em?” (Tranh); hoặc đơn giản chỉ là hoài niệm: “Tình yêu thuở em mười tám/ Anh thả vào thu…” (Thu ngang ngõ)...
Trái tim yêu nồng nã và bàn chân non dại nào rồi cũng phải bước vào đời. Mà đời sống muôn thuở vẫn là cái làm cho con người ta vừa thiết tha vừa mệt mỏi! Hồng Thủy Tiên cũng không ngoại trừ. Điều này biểu lộ vào những dòng thơ đượm nhiều suy cảm: “Thèm ngả vào nỗi nhớ ngày xa/ Chỉ một nụ cười làm tan băng giá” (Chạm); “Tất bật giữa xô bồ mệt mỏi/ Chợt giật mình thấy nỗi nhớ trong veo” (Ảo ảnh)… Những “băng giá, tất bật, xô bồ, mệt mỏi…” là báo hiệu cho chuỗi cảm nghiệm giữa đời sống trụi trần: “Bồng bềnh trôi trong giấc ngủ không sâu/ Tôi thấy tôi trong nhiều gương mặt” (Viết giữa đêm); “Thẫn thờ khép cửa/ Tội nghiệp mình/ Tội nghiệp những giấc mơ” (Tự bạch); “Lại một ngày mới/ Dắt chiếc xe đạp cũ/ Ùa vào dòng người tấp nập mưu sinh/ Nhưng không chìm khuất” (Đoản khúc riêng mình); “Tôi tiếp nối tôi ngày cũ/… Càng trải nghiệm càng dại dột” (Tự bạch); “Những năm tháng dài ta chia đều cho nỗi nhớ/ Sao cứ sợ vu vơ một nỗi vô cùng” (Nhật ký)… Đến đây người đọc bắt gặp rõ hơn sự “già giặn” của hồn thơ qua những khái luận: “Hạnh phúc từ những điều rất thực/ Hạnh phúc chẳng ảo ảnh nhạt mờ như những giấc chiêm bao” (Trở về); “Cái đẹp đôi khi nhìn từ góc độ khác/ Lại sững sờ/ Vì một khái niệm ngẫu nhiên” (Sáng nay), hay: “Dù cố sức/ Vẫn không là người khác”! (Đối diện)…
Để giải tỏa những ám ảnh, những trăn trở, băn khoăn ấy, cô gái trẻ tìm về với thơ: “Có phải tôi lúc O giờ?/ Những con chữ cựa quậy/ Tràn lên trang giấy/… Hay những con chữ là tôi/ Sống động sau phút ngủ mê im lìm trong vô cảm” (Lúc O giờ). Và rồi chính thơ lại trở thành nỗi trăn trở, ám ảnh không rời trong cảm thức của người thơ: “Thôi ta ạ/ Về tìm câu thơ cũ/ Viết tiếp vài dòng nồng ấm men say” (Nợ); “Khi muộn phiền nhất/ Đừng lần giở câu thơ gói trọn tiếng thở dài!” (Cho ngày đi xa); “Suốt đời tìm ảo ảnh một vần thơ” (Ảo ảnh)… Giống như trong cảm thức tình yêu, Hồng Thủy Tiên lại “nghĩ” về thơ (dĩ nhiên theo kiểu người duy cảm): “Thơ se se một thoáng gió trong lòng!” (Gửi chút Sài Gòn). Thơ dẫu chỉ là se se một thoáng gió trong lòng thôi nhưng cũng đủ thổi xao xác một tâm hồn đa cảm, đa đoan!
Những vần thơ đắng đót nỗi niềm khiến người đọc muốn tìm một hình tượng để ví von, so sánh với người thơ. Thì đấy: người thơ này được sinh ra và lớn lên từ một góc trời Đăk Tô - Tây Nguyên xa thẳm, ở đó có loài hoa dã quỳ hoang dại tiêu sơ của núi rừng như đồng hành cùng hồn thơ đắng đót này vậy: -“Xúc cảm như ngựa bất kham/… Vượt biên giới cả tin bằng màu dã quỳ say một chiều nghiêng ngả” (Đà Lạt nhớ). Và nữa: “Thôi thì giữ nỗi cô đơn/ Gửi bài thơ cũ đượm hương dã quỳ” (Tâm sự cùng dã quỳ)… Và đây chính là câu thơ như rút ruột của người - thơ - dã - quỳ hiến tặng tri âm: “Trái tim đang đập đây/ Say nồng trăng sơn cước/… Dã quỳ gầy rạc ôm lấy sương đêm/ Vắt kiệt thân từng chùm hoa đắng!” (Tu Mơ Rông)…
Và cứ thế, thơ Hồng Thủy Tiên như cánh bướm non vượt thoát được cái vỏ cứng kén tằm của dòng thơ truyền thống để cố vươn lên tung tẩy những đường bay lả lướt kiêu sa và hẳn sẽ một ngày cứng cỏi hơn giữa bao trải nghiệm cuộc đời. Bạn đọc tin ở Hồng Thủy Tiên như thế!
Tạ Văn Sỹ