Câu đối ở Đền Hùng
Tôi may mắn đã được ba lần hành hương về với Đền Hùng nơi Đất Tổ Phong Châu. Cảm thức công dân, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc dường như được nhân lên nhiều hơn sau mỗi lần viếng Tổ. Đặc biệt, nghĩa lý của những câu đối tại Đền càng tôn thêm niềm tự hào ấy.
Trước khi viếng Đền Hùng, khách phải vào dâng hương đảnh lễ nơi Đền Mẫu (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì). Đền Mẫu thờ thần Long Nữ - vị Quốc Mẫu đầu tiên của tộc Việt - vợ của Kinh Dương Vương. Hai người sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Vua Hùng.
Rời Đền Mẫu, thẳng về phía chân núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương là đến Đền Hùng. Trước khi lên Đền, khách tạt sang phía phải Cổng Đền tham quan Bảo tàng Hùng Vương cạnh đấy để được bồi thêm những cảm nhận về di tích thiêng liêng này qua những hiện vật trưng bày. Nhà Bảo tàng khánh thành vào ngày Giỗ Tổ năm Quý Dậu 1993. Điểm đặc biệt của kiến trúc này là trên chóp nóc của khối nhà hình vuông có một khoảng trống hình tròn thông lên trời, nhằm diễn giải ý niệm trời tròn đất vuông.
Rời Bảo tàng, trở lại Cổng Đền (còn gọi là Đại Môn, được xây từ năm 1917). Trên Cổng có bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng). Dọc hai trụ cổng là đôi vế đối: “Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối / Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con”.
Từ đây, lần theo từng bậc đá ong cổ, vòng vèo quanh sườn núi, dưới tán rợp cây xanh, lên cao dần để đến các đền và điện thờ nơi lưng chừng núi.
Đầu tiên là Đền Hạ. Đền Hạ được dựng vào thời nhà Lê (khoảng thế kỷ XVII) theo lối kiến trúc chữ nhị (hai lớp nhà trước sau nằm song song). Tương truyền tại đây mẹ Âu Cơ sinh hạ trăm con. Bên phải Đền Hạ là chùa Thiên Quang thiền tự (tên cổ là Viễn Sơn cổ tự) được dựng hoàn chỉnh vào thời Lê Trung Hưng (1533-1788). Trước đó, được khởi công từ thời Lý (thế kỷ XI). Hiện nay chùa chỉ còn lại phần tiền tế và tam quan (gác chuông). Trên chuông đồng khắc niên đại “Bính Thìn niên, Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Trước cửa chùa có cây vạn tuế trên 800 năm tuổi, toả ra ba cành rất độc đáo.
Rời Đền Hạ, lên Đền Trung. Đền Trung dựng từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII). Đến thế kỷ XV bị giặc Minh tàn phá. Sau khi kháng Minh thắng lợi, triều Lê cho dựng lại. Đền Trung thiết kế theo kiểu chữ nhất. Ở đây có hai bức đại tự: “Hùng Vương tổ miếu” (Miếu thờ tổ Hùng Vương) và “Hùng Vương linh tích” (Vết tích linh thiêng các vua Hùng). Tương truyền nơi này các vua Hùng làm chỗ họp bàn việc nước cùng các Lạc hầu (quan văn), Lạc tướng (quan võ) và các quan lang (con trai). Cũng tại đây Hùng Vương thứ 6 (Hùng Hồn Vương) đã triệu tập 24 quan lang cho thi chọn lễ vật dâng cúng tổ tiên để định người kế vị. Phẩm vật bánh dày và bánh chưng của Lang Liêu đã làm ưng lòng vua cha nên được kế vị thành Hùng Vương thứ 7 (Hùng Chiêu Vương). Cũng tại đây, Hùng Vương thứ 6 ban chiếu chỉ cầu hiền tìm người giúp đánh giặc Ân phương bắc, và chú bé Gióng ở Sóc Sơn đã vụt lớn phổng phao ra trận giúp vua đánh tan giặc dữ, giữ vững sơn hà.
Rời Đền Trung, lên Đền Thượng ở chóp đỉnh Nghĩa Lĩnh. Đền được dựng từ thời Hồng Đức nhà Lê. Phía trước Đền có cây hoa đại (sứ) trắng trên 500 năm tuổi. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng lập đàn tế lễ đất trời cầu quốc thái dân an. Do vậy Đền còn có tên “Kính Thiên lĩnh điện” (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh), hoặc “Cửu trùng tiên điện” (Điện thờ trên chín từng mây). Tại đây, Hùng Vương thứ 6 đã cho lập miếu thờ thần linh sông núi và làm lễ tế biệt người anh hùng trẻ tuổi làng Gióng khi vua hay tin Thánh đã về trời nơi núi Sóc Sơn sau khi thắng giặc. Ở Đền Thượng có bức đại tự “Nam Việt triệu tổ” (Tổ muôn đời của nước Việt) và đôi câu đối: “Đất này, nước này, dân nước Nam ghi nhớ / Vua ta, tổ ta, như Bắc đẩu sáng cao”.
Bên trái Đền Thượng là Cột Đá Thề. Tương truyền Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) sinh 20 quan lang nhưng đều chết yểu, chỉ có hai mỵ nương (con gái) là Ngọc Hoa (lấy Tản Viên Sơn Tinh ở Ba Vì) và Tiên Dung (lấy Chử Đồng Tử ở Khoái Châu) nên Vua không có người kế vị. Lúc này thế lực người Lạc Việt đã suy yếu, trong khi bộ tộc Âu Việt của thủ lĩnh Thục Phán mạnh lên, nhiều lần đánh tan giặc Thương phương Bắc, giữ vững biên cương. Vua bèn cho vời Thục Phán về núi Nghĩa Lĩnh để truyền ngôi. Thục Phán xưng Đế hiệu là An Dương Vương, cho dựng cột đá này để thề với Vua Hùng và muôn dân quyết chí giữ gìn non sông xã tắc, rồi đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc.
Rời Đền Thượng đến Lăng Vua. Lăng trước đây chỉ là một ngôi mộ nhỏ có mái che. Đến năm Tự Đức thứ 27 (1874) cho xây lại mộ và dựng Lăng. Năm Khải Định thứ 7 (1922) gia cố thêm. Năm 1997 trùng tu hoàn chỉnh. Lăng có bức đại tự “Hùng Vương Lăng” (Lăng Vua Hùng) và mấy câu đối, xin dẫn một câu:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn quay về đất Tổ / Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
Từ Lăng Vua, những bậc đá cổ lại đưa xuống chân núi, đến Đền Giếng. Giếng nước trong vắt có thể soi gương. Đền được xây vào cuối thế kỷ XVIII. Năm Khải Định thứ 7 (1922) cho trùng tu lại như ngày nay. Tương truyền hai mỵ nương Ngọc Hoa và Tiên Dung trước khi lấy đi chồng xa, thường ra đây soi gương, tắm mát. Để nhớ ghi công ơn hai bà đã từng dạy dân nghề canh cửi, nông tang, người ta lập đền thờ tại đây, gọi là Đền Giếng. Bức đại tự tại Đền ghi “Trung sơn tiểu thất” (Ngôi miếu nhỏ trong núi). Ra khỏi đền Giếng gặp Ao Sen. Hai ao nước nở đầy hoa sen dọc dài ven chân núi. Tương truyền đấy là dấu chân của Sơn Tinh đến cầu hôn Ngọc Hoa còn lưu lại.
Ngày 18/9/1954, Bác Hồ về thăm Đền, thắp hương viếng Tổ và nghỉ tại Đền Giếng. Tám năm sau, 19/8/1962, Bác lại về lần hai, nghỉ đêm tại ngách đông nam Đền Thượng. Lời Bác nói ngày ấy còn vọng lại muôn sau: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Người viếng cảnh ra về, cảm thấy lòng lắng lại bao tâm tư của một con dân nước Việt sau nhiều dặm dài xa cách, nay được về dưới bóng tổ tiên.
Tạ Văn Sỹ