Cần loại bỏ hoàn toàn hủ tục ảnh hưởng đời sống đồng bào DTTS
Việc loại bỏ được nhiều tập tục lạc hậu tồn tại từ bao đời ảnh hưởng đến đời sống của bà con đồng bào DTTS là sự nỗ lực của các cấp các ngành, đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Trong những năm qua, với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, bà con đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum đã loại bỏ được nhiều tập tục lạc hậu tồn tại từ bao đời ảnh hưởng đến đời sống của bà con như: hủ tục sinh con ngoài rừng; các hủ tục phạt vạ nặng nề khiến nhiều người sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần chồng chất; tục thuốc thư, bỏ bùa làm cộng đồng xa lánh, gây tổn thương đến người bị nghi là có thuốc thư; việc giết nhiều trâu, bò, heo và kéo dài thời gian tổ chức ăn uống lễ hội gây tốn kém, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con đồng bào các DTTS đã khó khăn càng khó khăn hơn… Việc bài trừ các hủ tục đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Có thể thấy, nhiều năm nay, việc tổ chức các lễ hội tại các thôn làng đồng bào DTTS ở Kon Tum đã được bà con rút ngắn thời gian hơn nhiều so với trước kia. Điển hình rõ nhất là lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của đồng bào Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng, nếu như trước đây kéo dài 3-4 ngày thì hiện nay có làng chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày; việc tổ chức đám cưới trong đồng bào DTTS cũng không còn rườm rà như trước, thông thường chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày hoặc 1 buổi chứ không kéo dài 2-3 ngày như trước… Việc rút ngắn thời gian tổ chức các lễ hội, vừa giúp giảm chi phí trong khâu tổ chức đối với các hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, vừa giúp tiết kiệm thời gian để bà con tập trung làm ăn, chăm lo phát triển sản xuất.
Mới đây, về làng Kon Klốc, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), chúng tôi chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức của gia đình chị Y Viên mà thật sự phấn khởi. Chị Y Viên cho biết, gia đình chị có gia cảnh khá khó khăn nhưng lần tổ chức đám cưới cho đứa con đầu vẫn phải chạy vạy vay mượn tiền mua con heo cả tạ để làm tiệc mời bà con họ hàng, làng xóm đến chung vui với gia đình trong vòng 2 ngày. Đến đám cưới đứa con trai thứ lần này, nghe theo lời khuyên của già làng, gia đình chị chỉ làm con heo nặng chừng 50kg để đãi tiệc. Dù các bước, các khâu vẫn giữ theo phong tục truyền thống nhưng đám cưới lần này được rút lại còn 1 buổi (tổ chức buổi chiều) để tiết kiệm thời gian cho bà con dân làng còn đi nương, đi rẫy.
Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tổ chức các lễ hội văn hóa ở góc độ cộng đồng làng nhưng nhìn nhận một cách khách quan, ở một số lễ hội được tổ chức ở góc độ gia đình, bà con tại một số thôn làng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại những suy nghĩ, những tập tục lạc hậu, đặc biệt là việc giết mổ nhiều trâu, bò, heo, tổ chức ăn uống nhiều ngày gây tốn kém, dẫn đến cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mới đây, ghé về làng Plei Sa, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), tôi được một người bạn Ja Rai tên T kể chuyện làm lễ bỏ mả của người quá cố, gia đình của cô ấy cùng một lúc phải giết thịt đến 5 con bò, khiến tôi giật mình bởi sự rình rang, tốn kém mà gia đình họ phải gánh chịu cho một lễ bỏ mả.
T kể, người Ja Rai quan niệm, người chết tuy mất đi về thể xác nhưng phần hồn vẫn tồn tại và lẩn quẩn quanh nhà mồ; "linh hồn người chết" vẫn sinh hoạt bình thường như người sống trên trần gian. Vì thế, mỗi ngày, trước khi ăn cơm, người nhà thường đem cơm, thức ăn đặt vào nhà mồ. Việc làm này kéo dài trong nhiều năm cho đến khi gia đình làm lễ bỏ mả. Trong thời gian giữ nhà mồ, hàng năm, gia đình của người quá cố tốn rất nhiều của cải, thóc lúa, gia súc để tổ chức các lễ thăm viếng. Đến 3 năm sau hoặc nhiều năm hơn nữa, gia đình mới tổ chức làm lễ bỏ mả. Và, tùy theo điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình mà chủ lễ tổ chức lễ bỏ mả đơn giản hay rườm rà. Với bà con đồng bào Ja Rai, lễ bỏ mả có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi đây là lễ tái sinh cho người chết, đồng thời giải phóng cho người sống và là cuộc chia tay cuối cùng giữa người sống và người chết.
Gia đình của T có 3 người thân quá cố từ nhiều năm nay (2 phần mộ của ông bà và 1 phần mộ của người dì). Làm đúng theo phong tục truyền thống, từ nhiều năm nay, mỗi tháng, bố mẹ T cũng đều thăm viếng nhà mồ. Đến nay, ông bà cũng đã trên 80 tuổi, sức khỏe yếu, cuộc sống lại khó khăn nên đã quyết định tổ chức làm lễ bỏ mả cho người quá cố.
|
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở việc giữ nét phong tục, niềm tin, tín ngưỡng của người Ja Rai thì có lẽ không có gì phải bàn đến, nhưng điều đáng nói ở đây là trong khi phải dốc sức để “chia của” cho người chết, nhưng cuộc sống hiện tại của người sống lại rất chật vật, khó khăn.
T chia sẻ: Phong tục truyền thống xưa nay phải giữ là đúng nhưng làm vậy mình thấy thương cho bố, mẹ thật nhiều. Bởi đến nay bố mẹ T đã ngoài 80 tuổi. Mấy năm nay, ông bà cố gắng nuôi vài con bò nhưng mỗi khi đau bệnh cũng chẳng dám bán để lấy tiền thuốc men, bồi bổ.
Nhiều lúc T khuyên bố mẹ nên suy nghĩ lại trong cách tổ chức các lễ hội, làm sao vẫn giữ được phong tục truyền thống nhưng cũng phải đảm bảo đừng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, nhất là khiến cho cuộc sống nghèo khó hơn nhưng họ vẫn không nghe theo. Bố mẹ T bảo, xưa sao nay vậy, nếu không cúng như vậy sẽ không tỏ được lòng thương của mình với người quá cố…
Vậy là, bữa lễ bỏ mả cho những người quá cố trong gia đình của T được tổ chức khá linh đình. 5 con bò được giết thịt (3 con bò của bố mẹ T và 2 con bò của con người dì của T góp vào), thời gian tổ chức lễ bỏ mả kéo dài đến 4 ngày…
T kể, người Ja Rai trước đây quan niệm, việc mổ bò trong các lễ hội thể hiện sự giàu có của mỗi gia đình. Ngày trước, khi còn trẻ, bố mẹ T cũng thuộc hàng khá giả trong làng. Có lẽ vì vậy mà ngày nay, hễ có lễ hội gì lớn trong gia đình, bố mẹ T cũng cố gắng giết thịt con bò. Trước đây, ông bà nuôi được đàn bò cả chục con nhưng chủ yếu là để dành để tổ chức các lễ hội góc độ gia đình; rồi làm quà cưới cho con, cháu nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.
Nghe câu chuyện của T quả thật không thể không suy ngẫm…
Bài, ảnh: Sông Côn