“Búp thông xanh” giữa đại ngàn Kon Plông
Anh Đinh Su Giang (SN 1978) là người Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông. Hiện anh đang giảng dạy môn Ngữ văn và là Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông. Anh đã tham gia hoạt động văn chương từ năm 2005 và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum từ năm 2006, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam từ năm 2012.
Tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Búp thông xanh” của tác giả Đinh Su Giang đã được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2016 gồm 9 truyện ngắn tập hợp lại từ các truyện ngắn của anh viết từ năm 2005 đến nay.
|
Mở đầu tập truyện ngắn “Búp thông xanh” là truyện ngắn “T’măng Deeng” (tiếng dân tộc Xê Đăng đọc là Măng Đen, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng trên đỉnh đèo), tác giả đã cho chúng ta cảm nhận về cách ứng xử của con người với thiên nhiên nơi họ sinh sống: “Những ai yêu nhau uống một ngụm nước và vốc rửa lên khuôn mặt thì sẽ gắn bó với nhau đến đầu bạc như bông lách, răng mòn như đá dưới suối vẫn không xa rời nhau”.
Truyện ngắn “Người gác rừng”, tác giả đã phản ánh tình yêu rừng của người gác rừng rất thiêng liêng: “Càng vào sâu trong rừng, lòng ông càng thanh thản và nhẹ như bay trong khoảng không tĩnh lặng. Bước vào rừng là bước vào thế giới kỳ vĩ và bao dung. Những cành cây tạo ra những chiếc cổng hình vòm để ông bước vào một vương quốc tự do đến kỳ lạ mà ông chưa thấy bao giờ”.
Phản ánh tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kon Plông, tác giả đã có cái nhìn vừa thông cảm, vừa trách móc qua việc một người con gái có thai ngoài ý muốn. Trong truyện ngắn “Đi tìm lời ru”, tác giả viết: “Việc Linh có thai là một điềm xấu đối với buôn làng. Linh phải bị trừng phạt, phải tìm một con trâu trắng để cúng tế thần linh. Và khi đẻ con phải đẻ xa buôn làng. Dân làng đã làm sẵn cho nàng một cái chòi bên bìa rừng”.
Hay trong truyện ngắn “Chiếc bè trên mặt hồ”, tác giả đã phản ánh việc dời làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đăk Nên khi nhà nước xây dựng công trình thủy điện Đăk Đring bằng hình ảnh so sánh “chiếc thuyền độc mộc” với “chiếc bè” nhỏ bé để nói lên tư duy cổ hủ bảo thủ của người dân với cuộc cách mạng đại công nghiệp, nhưng cuối cùng tư duy thời đại mới đã thắng: “Một chiếc thuyền độc mộc được đem đến. Hùng, Loan và già làng lên thuyền chèo ra cặp mạn bè. Hùng và già làng phải ngồi trên thuyền vì không được phép lên chiếc bè ấy”.
Truyện ngắn “Búp thông xanh” được tác giả chọn làm tên tác phẩm cho tập truyện ngắn này với hình tượng cây thông thẳng đứng giữa đại ngàn Măng Đen - Kon Plông hùng vĩ, như tấm lòng thủy chung son sắt của tình yêu đôi lứa, của con người với vạn vật linh thiêng: “Suốt khoảng thời gian trai trẻ và lúc đã về già như bây giờ, em-Búp Thông Xanh và Măng Đen-không bao giờ rời xa tâm hồn tôi. Em đi xa nhưng tôi vẫn còn Măng Đen, trong đó có hình bóng em. Trong phần đời còn lại của mình trước khi trở về với em tôi phải về Măng Đen”.
Trong tập truyện ngắn “Búp thông xanh” này, nỗi niềm nuối tiếc văn hóa dân tộc đối với rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kon Plông cũng được tác giả giãi bày trong truyện ngắn: “Người gác rừng”. Đó là: “Lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề gác rừng, gắn bó với rừng, ông cảm thấy sự cô đơn đến rợn người trong chính khu rừng của mình. Ông đi lầm lũi trong im lặng, lần lượt đến bên những gốc cây to đã bị cưa đứt, ông đưa bàn tay chai sần lên sờ nắn từng vết thương vẫn còn thoảng nhựa bay trong gió, như linh hồn của rừng đang còn lẩn khuất đâu đây”.
Truyện ngắn “Búp thông xanh” của anh đã được thầy giáo Nguyễn Văn Nông - Thạc sĩ Ngữ văn hiện đang giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông nhận định: Nhìn tổng thể tập truyện, tôi xin mạn phép đưa ra ba kiểu cấu trúc đối thoại. Đối thoại của các nhân vật liên quan đến môi trường sinh thái: rừng, sông, suối… Đối thoại của các nhân vật liên quan đến môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Yàng, nhà rông, ché rượu, thổ cẩm… Đối thoại với môi trường văn hóa nghịch cảnh, có liên quan đến các đối tượng lẩn tránh các giá trị chuẩn mực… Mỗi lời nói ra của nhân vật đều có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường sống xung quanh, gắn với những vẻ đẹp tự nhiên huyền bí, thơ mộng, gắn với những lễ hội bản địa. Sự đóng góp của Đinh Su Giang là đáng ghi nhận, góp phần nhận diện thêm thành tựu của dòng văn học của các dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam.
Tác giả tập truyện ngắn “Búp thông xanh” còn cho biết thêm, trong thời gian tới, anh sẽ cho ra mắt tiểu thuyết “Chim Nhoong bay về nguồn” viết về nguồn gốc và sự hình thành của dân tộc thiểu số huyện Kon Plông gắn với những cảnh đẹp hoang sơ, thuần khiết của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và tiểu thuyết “Mùa H’trâng đỏ” viết về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Kon Plông trong các cuộc chiến tranh vệ quốc cùng với cả dân tộc.
Vĩnh Hà