Bình Định - Nơi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt của Bác Hồ
Là địa phương được vinh dự lưu giữ những dấu tích về các sự kiện liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ, Bình Định cũng là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của Bác với thân phụ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Từ ý nghĩa lịch sử, văn hóa này, đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 -19/5/2017), tỉnh Bình Định đã tổ chức khánh thành Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc -Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn).
Theo nhiều tài liệu, cách nay hơn 100 năm, tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) là thân sinh của Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được Triều đình Huế cử vào coi thi ở trường thi Bình Định. Nguyễn Tất Thành và anh trai Nguyễn Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm) cùng đi theo cha. Đến Bình Định, anh trai Nguyễn Tất Đạt ở cùng cha, còn Nguyễn Tất Thành được cụ Sắc gửi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ, lúc ấy đang là giáo viên của trường Pháp- Việt Quy Nhơn để trau dồi tiếng Pháp.
Tháng 7/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông là một vị quan nhân đức, thanh liêm, chính trực, bênh vực dân nghèo, khích lệ tinh thần yêu nước, trừng trị nghiêm khắc bọn cường hào, ác bá. Cũng bởi lý do này, ông đã bị triệu hồi về kinh để chịu án phạt…
Biến cố này đã tác động mạnh đến tư tưởng, tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành. Tháng 3-1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá” (là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế.
Khi cha và anh trai về lại Huế, Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian. Cuối tháng 8/1910, được người bạn đồng liêu cũ của cha giới thiệu, Nguyễn Tất Thành đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), từ tháng 9/1910-2/1911. Sau khoảng hơn 5 tháng dạy học tại đây, tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh với giấy thông hành tên Văn Ba để vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành lên tàu ở cảng Nhà Rồng để đi ra nước ngoài tìm đường nước…
Như vậy, lần gặp gỡ, chia tay đó cũng chính là lần gặp cuối cùng, là cuộc chia tay lịch sử của hai cha con để Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau 30 năm, năm 1941 Bác trở về nước thì người cha kính yêu đã qua đời…
Nhằm lưu lại dấu ấn lịch sử này, đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 -19/5/2017), công trình Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được khánh thành. Được biết, đây là bức tượng duy nhất trong cả nước khắc họa hình ảnh Bác Hồ đứng cùng cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tượng đài thể hiện cuộc chia tay lịch sử của hai cha con.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được làm bằng đồng, cao 10,8 m, bệ tượng cao 4,2 m, đặt trong không gian rộng hơn 3.100 m2. Tượng có bố cục: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng ở phía bắc, Nguyễn Tất Thành đứng ở phía nam, hai cha con cùng nhìn ra hướng Biển Đông.
|
Sau lưng Tượng đài là bức phù điêu bằng đá có hình cánh cung dài 76 m, cao 14,5 m thể hiện năm nội dung chính trong hành trình dấn thân tìm đường cứu nước của Bác theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Trong đó, mảng phù điêu trung tâm được dành để khắc họa sự kiện hai cha con Nguyễn Tất Thành gặp nhau tại Huyện đường Bình Khê, sự kiện Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ…
Và hôm nay, sau nửa tháng Tượng đài được khánh thành, đúng dịp kỷ niệm 106 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2017), tôi và hàng trăm du khách trên khắp mọi miền đất nước đã có mặt ở Tượng đài. Tại đây, chúng tôi mới có dịp hiểu sâu hơn về câu chuyện lịch sử cách đây hơn 100 năm, ở mảnh đất này, cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày đẹp đẽ cuối cùng và cũng chính nơi này đã diễn ra cuộc chia tay lịch sử để Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba, Nguyễn Tất Thành- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tượng đài cha con Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, biểu tượng của tình cảm gia đình, cha-con với tình yêu quê hương đất nước mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Thúy Hường