Xin lộc đầu năm
Xin lộc đầu năm là một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Đây là một nghi thức đẹp, giúp con người có thêm động lực, tạo được niềm tin, hướng thiện, sống có ích và sống đẹp hơn.
Tôi miên man dạo xe khắp phố giữa nắng vàng rực rỡ của mùa xuân. Gió nhè nhẹ thổi, cây cối đang thi nhau đâm chồi nảy lộc. Trong không gian ấy, đâu đó văng vẳng bên tai bài hát “Câu chuyện đầu năm” của Như Quỳnh: “Trên đường đi lễ Xuân đầu năm/Qua một năm ruột rối tơ tằm/Năm mới nhiều ước vọng chờ mong/May nhiều rủi ít ngóng trông/Vui cùng pháo nổ rượu hồng/Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân/Xuân dù thay đổi biết bao lần/ Xin khấn nguyện kết chặt tình thân/ Vin cành lộc những bâng khuâng…”.
Lời ca thật sự rung cảm trong tôi vào thời điểm năm mới đang cận kề. Bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào cũng đều rất dễ chạnh lòng, dễ hoài niệm về một gia đình sum vầy, một bức tranh sinh động cho ngày cuối năm. Tôi cũng vậy, sao mà nhớ quá không khí của gia đình trong những ngày giáp tết.
Nhớ lúc còn bé, trong những thời khắc ngày cuối cùng năm cũ, tôi thường phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Cọ rửa lư hương trên bàn thờ, hay bộ ấm chén đã lâu rồi không rửa; mua hoa trang trí nhà cửa. Về vấn đề chọn hoa, mẹ tôi rất kỹ tính. Theo quan niệm của mẹ, mùng Một là ngày khởi đầu của năm mới, nếu hoa nở vào ngày mùng Một đẹp, thì cả năm gia đình cũng sẽ gặp mọi điều may mắn, thuận lợi. Mẹ nói hoa càng nhiều chồi non thì càng nhiều lộc.
|
Mẹ còn bảo, ngoài những việc như chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, làm những món ăn ngon đãi khách, đi chúc Tết họ hàng…, một điều cần được quan tâm, chăm chút là cầu tài lộc, sức khỏe cho gia đình trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, sau khi cúng giao thừa xong là mẹ đi lễ chùa xin lộc và về xông đất cho chính nhà mình. Trong thời khắc giao hòa của đất trời thì xin lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, vì thể hiện sự cầu mong về những điều tốt đẹp, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, chờ đón những niềm vui và hạnh phúc sẽ đến trong năm mới. Xin lộc đầu năm đã trở thành một truyền thống lâu đời và là nét đẹp văn hoá trong đời sống của người Việt.
Theo quan niệm của người xưa, mỗi độ Xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Hái lộc (hay rước lộc) là mang cành lộc tươi non vào nhà, có nghĩa là gặt hái tài lộc về cho cả gia đình. Không ít người cho rằng hái lộc cành càng to, càng lớn sẽ càng mang lại nhiều may mắn, lộc lá cho gia đình, nhưng hoàn toàn không phải. Mẹ tôi thường chỉ hái một cành lộc nhỏ thôi, nhưng đã đủ mang lại ý nghĩa, may mắn. Mẹ bảo, hái lộc cốt là ở ý nghĩa, không trọng ở to hay nhỏ.
Với người dân miền Trung, đầu năm đi mua “lộc” để cầu một năm may mắn, bình an, đủ đầy. Lộc chính là nhánh trầu xanh và muối, chính vì vậy mà sáng mùng 2 Tết năm nào cũng vậy, mẹ tôi cũng đều đi mua “lộc” về nhà. Theo quan niệm dân gian “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, người dân mua muối đầu năm với mong muốn mang lại may mắn cho năm mới, gia đình hòa thuận, đầm ấm, trọn vẹn. Còn lá trầu được gọi là lộc trời cho, ai đem lộc về nhà đầu năm thì cả năm sẽ “tài lộc dồi dào”. Tin vào những điều tốt đẹp đó mà đa số người dân thường mua trầu vào đầu năm để mong mọi chuyện trong năm luôn được suôn sẻ.
Ngoài việc hái lộc và mua lộc đầu năm thì phong tục xin chữ và cho chữ cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Với quan niệm “biết chữ” là chạm vào cánh cửa của tương lai..., vào mỗi dịp tết đến, xuân về, cùng với tục khai bút đầu năm, người dân thường có thói quen đi xin chữ và cho chữ. Điều đó mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, nhưng đầu xuân năm mới, mọi gia đình thường mong một cuộc sống bình an, từ đó người dân thường hay xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình, con cháu; người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Phát”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”; người đi học thường xin chữ “Tài”, “Đăng khoa”, người cầu sức khỏe, sống lâu xin chữ “Thọ”… Có người muốn rèn khả năng chịu đựng thường xin chữ “Nhẫn” vì có nhẫn, có nhịn thì mới chuyển nguy thành an, bại thành thắng, dữ thành lành.
Dù cuộc sống có biết bao đổi thay, hình ảnh các ông đồ với mực tàu, giấy đỏ, với chiếc khăn xếp, áo the quen thuộc vẫn xuất hiện. Người người, nhà nhà nô nức cùng nhau đi xin chữ, như điểm tô thêm cho những ngày tết của chúng ta thêm phần rực rỡ và ấm áp.
Xin lộc đầu năm là một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Đây là một nghi thức đẹp, giúp con người có thêm động lực, tạo được niềm tin, hướng thiện, sống có ích và sống đẹp hơn. Tuy nhiên tài lộc, hưng vượng của gia đình, thành đạt của con cái có được phải dựa trên sự hiểu biết, kiên trì nỗ lực, ăn ở nhân đức và tinh thần hăng say lao động, làm việc, học tập. Có như vậy, tài lộc mới có thể đến với mỗi người, mỗi gia đình một cách lâu bền.
Hạ Mi