Thương bánh tét không nhân
Trong cái lạnh se sắt của sáng sớm cao nguyên những ngày tháng chạp, nghe tiếng rao nằng nặng kiểu chất giọng miền Trung: “Bánh tét đây, ai bánh tét đây”, chợt giật mình nhớ đến mẹ, nhớ đến bánh tét không nhân ngày cũ.
Có ngạc nhiên khi gọi bánh tét không nhân? Là lạ, ngồ ngộ, hẳn không quen với nhiều người. Còn chúng tôi, những người con sinh ra từ làng quê gian khó, bánh tét không nhân – loại bánh tét chỉ có gạo nếp gói lên, không nhân thịt, cũng chẳng nhân đậu - lại gợi nhớ những ký ức gian khó mà ngọt ngào.
Ở quê tôi ngày ấy, gian khó mấy, nhà nào cũng gắng có cái tết tươm tất, ấm cúng. Nhà nào dù ít, dù nhiều cũng đều phải có ít đòn bánh tét, hũ dưa hành, sang hơn có nồi thịt lợn nấu đông, khó khó một chút thì nồi cá đồng kho mặn… cho con trẻ sum vầy. Nên dường như thành câu cửa miệng, những ngày cận tết, các bà, các mẹ ra đường gặp nhau đều hỏi thăm, tết này làm mấy hũ dưa hành, gói mấy đòn bánh tét, làm mấy chục bánh ít… là biết tết nhà đó to hay bé.
Nhà tôi không làm nông, sống nhờ vào đồng lương nhà giáo và nguồn thu từ tiền bán lợn mẹ vẫn ngày ngày chăm bẵm. Chẳng cấy cày được lúa nếp, gần tết, bán xong lứa lợn thể nào mẹ cũng bắt tay vào công cuộc sắm tết. Việc đầu tiên là mẹ mua dăm yến gạo tẻ còn để dành ra giêng mà ăn, mua vài chục cân gạo nếp…, rồi mới tính đến chuyện đứa nào dép hư, đứa nào áo quần cũ mà sắm.
Mẹ bảo, cứ phải lo chuyện ăn cho no đã, chuyện khác tính sau. Mà gì thì gì phải gói ít bánh tét, trước dâng lên ông bà tổ tiên, sau là cho các con được ăn ngày tết. Ngày tết mà không có bánh tét là thiêu thiếu cái gì đó, mẹ cảm thấy như chưa được trọn vẹn.
Nếp mẹ mua sớm. Lá chuối ở góc vườn. Cha kiếm đoạn tre về chẻ lạt. Vậy là xong khâu chuẩn bị.
|
Sáng 30 Tết, gạo nếp mẹ ngâm từ trước, lá chuối rải phơi heo héo đâu đó xong xuôi, mẹ và bà ngoại bắt tay vào gói bánh. Chị em chúng tôi ngồi xoay quanh, lau lá chuối phụ bà và mẹ.
Chẳng có đậu xanh, cũng chẳng có thịt lợn, mẹ chỉ đổ gạo nếp vào theo lớp lá xếp sẵn, rồi gấp, rồi buộc… Từng chiếc bánh màu xanh xanh, lạt buộc trăng trắng đặt ngay ngắn. Mẹ lấy chiếc nồi to cất từ tết năm trước, đặt mấy viên gạch chắc chắn làm bếp, củi cha để sẵn ở góc vườn… Luộc bánh.
Nhà tôi năm nào cũng luộc bánh vào trưa 30 tết. Mùi lá chuối, mùi gạo nếp thơm đến tứa nước miếng trong chiếc nồi to sôi ùng ục. Chị em chúng tôi ngồi quanh bếp canh lửa cháy cho đều, ánh lửa chập chờn nhảy múa theo những câu chuyện cười vui nghiêng ngả.
Mẹ gói chắc tay lắm nên bánh được vớt ra, tròn lẳn. Chiếc bánh đầu tiên được mẹ đặt lên bàn thờ tổ tiên trước giao thừa bao giờ cũng còn ấm nóng. Còn chị em chúng tôi, được mẹ cho khai tiệc bằng chiếc bánh rò - chiếc bánh làm bằng số gạo nếp còn dư, hình thù chẳng rõ ràng - cũng chẳng có nhân. Vị dẻo thơm của nếp mới quện với vị thơm nồng của lá chuối. tạo nên một hương vị không thể lẫn vào đâu - hương vị ngày tết.
Đến giờ ngẫm lại, chiếc bánh tét không nhân ấy chẳng cao lương mỹ vị gì và nếu nói theo tiêu chuẩn của ẩm thực hiện đại hẳn nhiều người cho điểm dưới mức trung bình mà sao lại quyến rũ chị em tôi qua bao mùa tết đến thế.
Sau này, khi chúng tôi nhắc về chiếc bánh tét không nhân, mẹ kể nghe mà rưng rưng. Để lo cho các con có được chiếc bánh tét không nhân bằng bạn bằng bè, mẹ sau ngày dạy ở trường, phải tranh thủ lội ao, lội ruộng vơ bèo vạt tép chăm mấy con lợn cả mấy tháng trời, làm của để dành lo tết.
Mấy anh chị em tôi qua bao mùa tết, qua bao nhiêu năm bánh tét không nhân như vậy mà lớn lên. Rồi đi xa hết… Chỉ còn lại kí ức tuổi thơ quẫy đạp vô chừng trong góc nhớ mỗi dịp tết về.
Thương tuổi thơ thiếu hụt của mình. Thương lắm những ngày cả mấy chị em trong căn bếp ám khói, xì xụp vây quanh những lát bánh tét trắng mỏng. Thương lắm bánh tét không nhân ơi.
Nguyên Phúc