Thân thương màu áo lính
Chiếc áo lính chính là kỷ vật của những ngày tháng hào hùng. Màu xanh bình dị như là màu xanh cây lá của Trường Sơn máu lửa, màu của bầu trời khao khát tự do, của niềm hy vọng rạng ngời trong trái tim nồng nàn yêu nước.
“Mãi mãi lòng chúng ta. Ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta. Hát mãi khúc quân hành ca...”
Những ngày cuối năm, lòng tôi lại ấm áp hơn khi nghe giai điệu hân hoan ấy. Màu nắng vàng như thắp lên niềm rạo rực, chan hòa cùng sắc đỏ lá cờ Tổ quốc tung bay. Tôi đã nghe tiếng chiếc loa trong xóm nhỏ phát ra những khúc ca hào hùng, vực dậy lòng tự hào vọng về cùng những chiến công một thời máu lửa. Và tiếng ông tôi trầm lắng kể lại những câu chuyện, chiến tích vào sinh ra tử mà tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở bé. Tôi lại muốn được lạc vào từng trang sử sống động mà người viết nên chính là ông tôi, với lòng thôi thúc nghẹn ngào cùng tình yêu Tổ quốc. Dường như đã đợi từ lâu, giữa không khí thiêng liêng tháng Mười Hai, tôi lại thấy ông cẩn thận trải ra tấm áo lính thân thương của một thời, nâng niu từng tấm huân chương. Khóe mắt nhăn nheo rưng rưng niềm xúc động.
Chiếc áo lính chính là kỷ vật của những ngày tháng hào hùng ấy. Màu xanh bình dị như là màu xanh cây lá của Trường Sơn máu lửa, màu của bầu trời khao khát tự do, của niềm hy vọng rạng ngời trong trái tim nồng nàn yêu nước. Chiếc áo lưu giữ thời gian, lưu giữ tuổi hai mươi dạt dào sức trẻ, bao hồi ức in đậm trong tiềm thức ông tôi, những niềm vui, nỗi buồn, cùng mồ hôi, nước mắt, cả những giọt máu đã đổ xuống vì gấm vóc non sông.
|
Ngày thống nhất đất nước, ông tôi trở về cùng chiếc ba lô đơn sơ đựng những hành trang bình dị của người lính. Cái mũ tai bèo sờn vành, chiếc võng bộ đội nhuốm màu đất bụi chiến trường, những lá thư rưng rức tình cảm được gửi từ hậu phương. Và không thể thiếu chiếc áo lính đã cùng ông băng rừng lội suối, luồn lách cây rừng, đội nắng dầm mưa, vượt qua bao hiểm nguy cùng đồng đội. Theo thời gian, chiếc áo ấy đã bạc màu nhưng vẫn còn đó những vết nhựa cây vương lại trên tay áo, vài chiếc cúc cũ sờn mòn, lưng áo ngả màu nâu sẫm chất chứa bao thăng trầm. Tất cả trở thành những dấu tích không thể phai nhòa. Ông trải phẳng từng nếp gấp, chỉnh ngay ngắn từng tấm huân chương, nét mặt ông không giấu nổi niềm xúc động. Ở hai bên cổ áo, ngôi sao vàng năm cánh ánh lên thiêng liêng, nhen nhóm trong tôi lòng biết ơn vô hạn.
Chiều nắng nhạt ngày kỷ niệm, tôi cùng ông ra thăm nghĩa trang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Giữa màu khói trầm lắng mong manh, dáng ông nghiêng cẩn thắp nén hương cho từng ngôi mộ. Lòng tôi dâng lên niềm xúc động nghẹn ngào, khóe mắt đã không cầm được những giọt nước mắt, khi đứng từ xa nhìn theo dáng người đậm màu sương gió của ông. Tựa như ông tôi đã trở lại những tháng ngày sục sôi sức trẻ trong màu áo lính năm xưa, giữa ký ức đậm sâu vọng mãi trong từng nhịp đập con tim, từng đổi thay cuộc đời.
Đi trong những ngày tháng Mười Hai, tôi càng thấy biết ơn dân tộc mình, biết ơn màu áo lính của ông, biết ơn chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, biết ơn từng cánh rừng, dòng sông đã chở che quân dân ta một thời đạn bom khốc liệt. Dòng máu nóng đổ xuống vì non sông gấm vóc đã hóa thành bất tử, bao chiến công, dấu mốc rạng ngời mãi khắc ghi trong tim của những người ở lại, của thế hệ mai sau.
Và ngày 22/12 năm nay, tôi lại thấy ông cẩn trọng khoác lên mình tấm áo lính thân thương, mặc dù tuổi tác cùng thời gian đã làm ông gầy yếu đi, tấm áo có phần thùng thình hơn trước. Nhưng ánh lên từ đôi mắt dịu hiền của ông tôi là niềm hạnh phúc lấp lánh đầy tự hào. Dường như niềm ấm áp ấy cũng tỏa lan vào trái tim tôi, cha mẹ và anh em tôi, một tình yêu rưng rưng thầm kín…
Trần Văn Thiên