Rể có còn là khách?
Mẹ tôi sinh 7 con gái và có 7 chàng rể, theo quan niệm xưa “dâu là con, rể là khách”. Tuy nhiên, mẹ tôi lại quý rể lắm, mẹ cho rằng, mình có 7 người con gái, giờ lại có thêm 7 đứa con trai nữa. Mẹ xem những chàng rể đó như con đẻ vậy. Khi 7 đứa con gái sinh nở mẹ đều nuôi và chăm lo cho cháu ngoại chu đáo. Vậy nên chàng rể nào cũng đều tôn trọng ba mẹ tôi và yêu thương vợ con hết mực.
Thời ấy, do điều kiện còn khó khăn, gia đình bên nội ở xa nên khi mới lập gia đình, vợ chồng tôi chưa có chỗ ở. Vậy nên ba mẹ tôi khuyên bọn tôi ở lại căn nhà của ba mẹ, rồi khi nào có điều kiện thì tính. Mẹ tôi quan niệm con gái kết hôn, nếu vẫn ở chung nhà với ba mẹ, ba mẹ có thêm con cháu sẽ thêm niềm vui tuổi xế chiều. Ngoài ra còn được ba mẹ chăm sóc cháu, lo cơm nước cho gia đình nhỏ của mình.
Do quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên lúc ban đầu khi phải ở rể, tâm lý người đàn ông thường không thoải mái. Nhưng tôi luôn động viên chồng tôi, hãy coi đó như là nhà của mình, không nên mặc cảm hoặc suy nghĩ lệch lạc sai lầm. Sau một thời gian thấy mọi người trong gia đình cư xử tự nhiên, thân mật, nên chồng tôi đã tự tin và cởi mở hơn.
Những định kiến ngày xưa về chuyện ở rể đã đã thay đổi. Việc đàn ông ở rể là chuyện bình thường, mọi sự còn do điều kiện của gia đình vợ. Nếu như gia đình vợ sinh toàn con gái, gia đình neo đơn, thì việc có con cái ở trong nhà là vô cùng quý giá.
|
Ba mẹ tôi thật may mắn vì tất cả con rể đều là người hiếu nghĩa. Tất thảy họ đều thương ba mẹ tôi với những tình cảm chân thành và thiêng liêng… Mẹ tôi hay nói rằng: “Mình thương yêu, quan tâm con rể như con ruột thì con cũng sẽ coi mình như cha mẹ ruột của con vậy”.
Vậy cho nên khi ba mẹ tôi có việc đại sự gì, thì tất cả các chàng rể đều có mặt, mỗi người một việc, không nề hà bất cứ chuyện gì. Kẻ góp của, người góp công. Thậm chí anh rể đầu được ba tôi đặt ở vị trí quan trọng trong gia đình và anh luôn “đứng mũi chịu sào” các vấn đề lớn.
Vì hiếm con trai nên ba mẹ tôi quý con rể lắm, có chút rượu ngoại của bà con bên nước ngoài gởi về, ba cũng bảo để dành cho anh rể đầu. Có cái gì ngon và lạ cũng đều để dành cho các con rể. Mỗi lần gọi điện thăm hỏi, ba mẹ tôi không bao giờ quên nhắn gởi lời thăm con rể.
Tôi nhớ có bận, chồng tôi bệnh nặng, phải nằm bệnh viện Trung ương Huế, người lo lắng nhất là ba tôi. Đều đặn hàng ngày ông đều vượt đoạn đường 12km mang cơm nước và hỏi han, chăm sóc người con rể của mình. Ông luôn động viên và an ủi chồng tôi không nên tự ti về sức khỏe mà phải cố gắng dưỡng bệnh cho thật tốt.
Mà cũng thật hay, các rể nhà tôi thương ông bà ngoại lắm, thấy ông ngoại mê bộ ngựa quá, anh rể út nhà tôi, không biết kiếm đâu ra bộ ngựa thật đẹp vội vàng gởi về ngay cho ông ngoại nằm cho mát. Có anh rể hay đi công tác trên các huyện, lùng sục đâu được mật ong rừng thiệt ngon, cũng gởi về ngay cho bà ngoại dùng. Mỗi lần nhận quà từ các chàng rể, ba mẹ tôi vui lắm, “khoe” khắp xóm.
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn hay chứng kiến cảnh con ruột bạc đãi, bất hiếu với cha mẹ mình. Vậy nên một chàng rể quý, nhân hậu có khi còn ý nghĩa hơn đứa con trai mình đẻ ra mà ngỗ nghịch, hỗn xược.
Tôi đã chứng kiến một trường hợp vô cùng xót xa. Một ông lão gần 70 tuổi, có 6 người con gái và một con trai. Lúc ông nằm cấp cứu, chỉ thấy toàn con rể và con gái chăm sóc, còn người con trai hiếm khi có mặt. Nghe nói đất đai ông đều dành hết cho người con trai ấy, nhưng khi ông bệnh nặng, các con gái và rể của ông chạy đôn chạy đáo để chăm sóc cho ông. Tiền viện phí có ngày lên đến vài chục triệu (vì ông không có bảo hiểm). Dù khó khăn nhưng họ đều sẵn sàng vay mượn để lo cho ông mà không nghĩ đến quyền lợi cá nhân gì.
Ngày nay, chúng ta nên cần có một cái nhìn mới. Nam nữ bình đẳng, không phân biệt là con trai hay con gái. Cốt chính là người con đó có hiếu nghĩa với gia đình không mà thôi.
Chúng ta nên hiểu rằng, đã là tứ thân phụ mẫu thì cũng nên xem gia đình hai bên như nhau, bổn phận làm con phải lo tròn chữ hiếu và chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già khi đau yếu, dâu, rể trong nhà thể hiện hết trách nhiệm của mình, đó mới là cái tâm của người con hiếu thảo.
Mọi người hãy biết dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, yêu thương và quý trọng nhau. Hình ảnh người chồng đối xử tốt với cha mẹ vợ, không nề hà khó khăn và gánh vác mọi việc của gia đình vợ sẽ làm tăng thêm sự kính trọng trong lòng mọi người, là tấm gương để dạy dỗ các con về sau này. Và hiển nhiên, nếu bạn biết quan tâm, biết cư xử, biết tôn trọng người khác thì mình cũng sẽ nhận được những điều tương tự.
Hạ Mi