Quà quê
Cả đêm, tôi trằn trọc không ngủ được. Cứ nghĩ đến hình ảnh mẹ cha mắt đã mờ, chân đã chậm, mặc cho cái nóng ngày hè hầm hập như đổ lửa của miền Trung, người dắt xe đạp, người đằng sau đi theo giữ chiếc thùng xốp xuống nhà người quen gửi quà cho con, cháu mà lòng tôi rưng rưng.
Hôm qua, quà đang trên đường vào mẹ đã gọi điện dặn tỉ mỉ. Món cá nục nấu thế nào, kho bao lâu mới ngon; món cá chai mẹ nạo, quét nhuyễn làm chả con để nấu canh chua hay nấu bún cá cũng ngon…Lúc đó, đang bận công việc nên tôi cũng qua loa trả lời dạ vâng cho mẹ yên lòng. Trưa nay, mở thùng xốp ra, trời ơi, bao nhiêu là thứ, được gói ghém cẩn thận, ngăn cách giữa các món đồ đông lạnh và các món trái cây, đồ khô là một miếng gỗ được cắt gọt vừa vặn. Mấy chục quả trứng gà được bọc trong lớp báo, lại còn dán thêm lớp băng keo, đặt gọn gàng trong bao trấu… Tôi biết ngay là cha đã kỳ công cắt gọt, kỳ công bọc dán. Ông lúc nào cũng cẩn thận, làm gì cũng vậy, từ tốn, chậm rãi đến mức cả mấy anh chị em tôi vốn tính nhanh ẩu đoảng có lúc phải phát cáu lên.
Mớ cá nục, cá đồng, chả cá chai đưa vào tận đây còn đông đá, tươi nguyên. Tôi biết mẹ đã phải đạp xe xuống chợ từ hai, ba hôm trước, chọn mớ cá nào tươi ngon nhất. Rồi cả cha lẫn mẹ cặm cụi ngồi cả buổi bên giếng đầu hồi nhà, cắt vi vảy, ruột mang cá cho sạch, chia nhỏ bỏ vào từng bì kiểu mỗi bì đủ để gia đình tôi ăn một ngày, rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh. Nhìn mấy quả na cuống còn ứa nhựa là hình dung ra cảnh cha vất vả giữa trưa trèo hái từng quả một, còn mẹ đi theo tay cầm chiếc làn nhựa có lót lớp lá chuối ở dưới, cẩn thận đặt từng quả na vào. Loay hoay cả buổi, tay cha dính đầy nhựa na, tóc mẹ vương đầy lá khô, hoai mục.
|
Rôi để có mấy cân đậu lạc, củ nén gửi cho các con, mẹ phải cày cuốc gieo trồng, chăm bẵm mấy tháng trời. Những buổi trưa miền Trung nắng như đổ lửa, cha mẹ ngồi bên hiên nhà, tuổi già mắt kém phải đeo thêm chiếc kính, gọng trễ hẳn xuống tận mũi, cặm cụi bóc lạc, rồi chọn mớ củ nén to, đều gửi cho con. Cả hai con gà được làm sạch bỏ đông đá và mấy chục quả trứng gà kia cũng vậy, để có gửi cho con cháu, mẹ cũng ngày ngày chăm nom, trời nắng thái thêm ít rau cho chúng, trời mưa mặc áo mưa tơi tả đếm đàn, che chắn chuồng, ổ cho bớt gió mưa...
Nhớ hè năm ngoái cả nhà về quê ngoại, tối mới lên xe mà từ trưa, cả cha và mẹ đã loay hoay xếp các món quà cho con cháu. Đứng trong nhà nghe cha mẹ ở ngoài sân rộn ràng nhắc nhau, còn thiếu thứ gì không, hái thêm cái này, lấy thêm cái kia… cho con đem vào dùng, chúng nó thích mà trong đó không có, nếu có cũng đắt đỏ lắm mà mắt bỗng như có sóng.
Thấy cha mẹ thêm bộn bề, vất vả chuẩn bị quà khi mỗi lần chúng tôi về hay có ai vào ra, tôi dặn chẳng phải mua sắm làm gì, còn mấy thứ như con gà, quả trứng, ít trái cây cha mẹ nuôi trồng được để mà bồi bổ sức khỏe tuổi già. Nhưng mẹ bảo, biết các con không thiếu nhưng được vất vả vì con, vì cháu đó là niềm hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ.
Nghe mẹ nói vậy, tôi không cản. Chỉ có điều mỗi lần nhận quà quê là mỗi lần tôi trằn trọc không ngủ được, rưng rưng nghĩ về tấm lòng của mẹ cha. Vất vả làm lụng nuôi chúng tôi ăn học, từ những chữ cái vỡ lòng đến đại học, tốt nghiệp, có công ăn việc làm lại đi muôn phương. Chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục, chúng tôi lại ngụp lặn trong mưu sinh lo toan cho gia đình nhỏ của mình, hình ảnh mẹ cha chỉ là những cuộc chuyện trò qua điện thoại, là những lần về quê kiểu “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Và lần nào cũng vậy, khi tạm biệt mẹ cha để quay trở về với mái ấm nhỏ của riêng mình cũng luôn mang theo những món quà quê chan chứa yêu thương. Ngồi trên xe, nhìn cha mẹ ngày càng già đi, chậm chạp hơn lần về trước; nhìn cha mẹ vẫy tay chào tạm biệt, miệng cố cười thật tươi mà lưng quay vội để che những giọt nước mắt lăn trào, tôi tự hứa với lòng mình, lần sau, lần sau nữa, sẽ về ở với mẹ cha thường xuyên hơn và ở cũng thật lâu hơn.
Tôi nhận ra, mớ cá nục, mấy chục quả trứng gà, mấy cân đậu lạc, củ nén… không phải là những đồ vật vô tri vô giác, chúng “biết nói” khi chứa chan trong đó bao tình yêu thương. Chúng còn đánh thức ký ức: những bữa cơm rộn rã cười vui bên nồi cá nục kho luôn có ít củ nén và ớt bột, bên nồi canh cá nấu lá chua me; cả những hôm vừa tổng kết năm học, cả mấy mẹ con hì hụi làm bánh bột lọc để tưởng thưởng thành quả học tập sau mấy tháng trời vất cả của chúng tôi.
Tất cả tưởng đã trượt trôi vào hoài niệm mà sao nay lại vẹn nguyên, tươi mới. Trong giấc ngủ trằn trọc, tôi như đang bay bay về những ngày cũ, để mà tưởng tượng, mà sung sướng, mà ấm lòng, mà ngậm ngùi.
Nguyên Phúc