Phố không dậy muộn
Tiếng kéo cửa sắt lạch xạch của bà Tư vé số như một tín hiệu riêng đánh thức con phố nhỏ. Những ngôi nhà như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Hóa ra, phố không hề dậy muộn như hắn nghĩ. Cư dân trên phố có sống chậm lại, có ít ra ngoài hơn, nhưng họ vẫn đón ngày mới trong tâm thái bình tĩnh vốn có.
Hắn mở toang cửa sổ, đón ngọn gió mát lành buổi sáng ve vuốt da mặt. Trên đỉnh dãy Chư Hreng, những áng mây hình rẻ quạt bắt đầu hồng lên ánh bình minh.
Đêm qua, những con chữ trong bài báo viết dở về phòng chống dịch bệnh Covid-19 hành hạ hắn cả trong giấc ngủ mụ mị. Cho đến khi tiếng kéo cửa sắt lạch xạch của bà Tư vé số ở đầu phố kéo hắn ra khỏi vũng lầy chữ nghĩa.
Phố hắn ở nhỏ lắm. Dù rằng ở thành phố này, có nhiều con phố nhỏ chỉ đủ để những bước chân chầm chậm qua, nhưng dù thế cũng hiếm có con phố nào bé nhỏ, ngắn đến ngỡ ngàng như phố hắn ở. Hắn hay đùa, nhà đầu phố ho một tiếng cũng đủ làm cả phố thấp thỏm không yên. Không hiểu sao, từ khi có dịch bệnh Covid- 19, hắn hay nghĩ đến chuyện ấy và tủm tỉm cười tự giễu mình.
Đừng có mà hoảng quá rồi tự mình làm cho mọi thứ loạn lên- tiếng bà chủ quán bún rầy đứa con gái. Gọi là quán bún cho oai, chứ thực ra chỉ là mấy bộ bàn ghế nhựa bày trước mái hiên nhà, quán của bà chỉ phục vụ người dân trong phố nhỏ là chính.
Từ chiều qua, bếp lò không còn hừng hực cháy, không còn nồi nước lèo sôi sùng sục. Tất cả, từ bàn ghế, bếp lò, đến bao than cũng được bà chủ xếp gọn gàng, ngăn nắp. “Chống dịch như chống giặc, chị tổ trưởng dân phố nói rồi. Tôi cứ nghỉ cho đến khi nào có thông báo cho bán lại thì thôi”- bà chủ vừa dọn dẹp vừa thủng thẳng nói.
Còn cô con gái thì lo ra mặt. Tình hình dịch bệnh căng thẳng thế này mà mẹ em cứ đủng đỉnh như không. Hôm qua, em hối mẹ đi mua thêm gạo và nhu yếu phẩm còn “ăn chửi”- cô phàn nàn. Hắn cười: Mẹ em còn không lo, em lo gì.
Chắc sáng nay, cô em lại giục mẹ nữa nên bị bà rầy la- hắn thầm nghĩ. Chợt nhớ đến mấy câu thơ mà hắn “trộm” được trên facebook của ông anh nhà thơ: “Những đường phố rộn ràng rất phố/Bỗng hôm nay mệt mỏi phố ngủ vùi/Này em hỡi can cớ chi bối rối/Rồi mai đây phố xá rộn tiếng cười”. Phải gửi cho cô em này mới được. Hắn thấy vui vui với ý tưởng ấy.
|
Nói phố của hắn không lo lắng là không đúng. Nhưng mọi chuyện cũng chỉ như cơn gió thoảng qua, lao xao đấy rồi cuộc sống lại bình thản trôi. Mọi người động viên nhau, hãy nhìn xem, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát. Phạm vi có khả năng nhiễm dịch đã được khoanh vùng, liên tiếp bệnh nhân được xuất viện. Đừng lo lắng sẽ không còn gì ăn trong những ngày sắp tới, vì nước ta luôn đứng tốp đầu trong số những quốc gia xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản; các sản phẩm nhu yếu phẩm hàng ngày trong nước đều sản xuất được.
Hôm nay bà Tư vé số phải nghỉ bán theo “lệnh Nhà nước”- cách nói ngắn gọn nhất của bà, nhưng dậy sớm như thường lệ. Và tiếng kéo cửa của bà vẫn là một tín hiệu riêng đánh thức con phố nhỏ. Những ngôi nhà bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, trong tưởng tượng của hắn, chúng vươn vai và “mở mắt”. Hóa ra, phố không hề dậy muộn như hắn nghĩ, dù đang áp dụng triệt để “cách ly xã hội”.
Và phố cũng không hề ngái ngủ. bà Tư tranh thủ dọn dẹp vườn tược, kéo đám cháu lít nhít trong phố cùng cuốc đất, trồng rau. Để chúng nó vận động cho khỏe người. Ai đời nghỉ học ở nhà cứ dán mắt vào ti vi, vi tính- bà phàn nàn. Mấy đứa cháu cười váng lên: Bà ơi, chúng cháu cũng học đấy chứ, học online ấy mà.
Tiếng cười trong trẻo ấy lăn dài trên phố, trong tiếng chổi lùa lá khô xào xạc của chị công nhân môi trường. Dù cách ly xã hội thì chị ấy vẫn phải quét rác, giống như hắn vẫn phải đi viết báo vậy. Hãy cứ tưởng tượng một ngày thiếu tiếng chổi của chị mà xem? Hắn lắc đầu, cố xua đi hình ảnh con phố thân thương ngập rác vừa thoáng qua.
Chuẩn bị đóng cửa sổ để đi làm thì, ngạc nhiên chưa, hắn thấy anh chàng Thịnh ngổ ngáo, có chỏm tóc vàng hoe, nhà ở cuối phố, mang khẩu trang y tế đi qua trước nhà. Anh chàng này làm cho một cửa hàng mộc dưới đường Trần Văn Hai, cũng có tiếng là thợ giỏi, chỉ mỗi cái ngang bướng, nóng tính. Những ngày qua, dù được gia đình, xóm giềng nhắc nhở đeo khẩu trang, anh ta cũng “phớt”.
Cho nên, dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy, hắn cũng không thể hình dung về việc sáng nay anh chàng ấy lại chịu đi ra phố với chiếc khẩu trang y tế màu xanh. Thấy hắn quan sát, anh ta cười ngượng nghịu: Giờ ra đường mà không mang khẩu trang thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Không khéo còn bị mời “lên phường uống nước” ấy chứ.
Chưa hết, lát sau, cũng chính anh chàng ấy lùng sục mua được cả tá chai nước rửa tay khô đem về tặng cho xóm giềng. Rồi mua nhiệt kế điện tử về đo thân nhiệt cho cả phố.
Nghe đâu anh ta rất quyết liệt trong việc ngăn vợ đi mua tích trữ hàng. “Ai cũng như em thì hàng hóa khan hiếm là phải”, anh ta cáu. Khi vợ hắn kể chuyện trên zalo của phố, mọi người đã vào like nhiệt tình.
Nhắc đến chuyện nhóm zalo phố mới nhớ, ngay tối 1/4, hắn đã rất bất ngờ khi được mời tham gia vào nhóm zalo này. Sáng kiến của cô con gái bà chủ quán bún, để mọi người trò chuyện, chia sẻ và động viên nhau trong những ngày thực hiện “cách ly xã hội”, hắn nghe chị hàng xóm nói vậy. Hắn vui vẻ đồng ý.
Từ đó, mỗi ngày, mọi người trong nhóm chia sẻ rất nhiều tin tức về cuộc chiến ngăn chặn Covid-19, những khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, và nhất lạ nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh của chính quyền.
Tất nhiên, mấy ngày qua, hắn trở thành “nhà tư vấn bất đắc dĩ” khi thường xuyên phải trả lời những thắc mắc liên quan đến “cách ly xã hội” của mọi người. Cũng vui, dù sao cuộc sống lúc này đang chậm lại.
Không có gì phải vội vàng, hãy rửa tay kỹ lưỡng, mang khẩu trang đúng quy định, không tụ tập đông người và ấn vào nút like mỗi khi ai đó chia sẻ chuyện vui trên “zalo của phố” như sự ủng hộ cho một tinh thần lạc quan trong những ngày “cách ly xã hội”.
“Hãy đón mỗi ngày mới với tâm thái bình tĩnh, như mọi khi. Giống phố của ta, vẫn không dậy muộn trong những ngày này”. Hắn viết, trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.
Hồng Lam