Phạt “nguội” - hiệu quả “nóng”
Phạt “nguội” là một trong những giải pháp được người dân ủng hộ và hiệu quả, ai cũng rõ. Và việc khắc phục một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc phạt “nguội”, đồng thời với việc chú trọng thêm nhiều giải pháp thiết thực khác, tin rằng, trong thời gian đến, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ giảm nhiều hơn trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Mấy ngày nay, nắm được thông tin, từ ngày 1/9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) sẽ tiến hành xử lý (phạt “nguội”) người vi phạm giao thông qua hình ảnh, đa số người dân khấp khởi vui mừng. Không vui mừng sao được, bởi đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính; đồng thời có tác động rất lớn đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông luôn để lại những nỗi đau dai dẳng, đó là điều ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người. Thực tế, người điều khiển phương tiện giao thông rất tuân thủ, chấp hành khi thấy lực lượng chức năng tuần tra, xử lý vi phạm. Thế nhưng, khi thiếu vắng bóng dáng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, không ít các trường hợp phóng nhanh, đánh võng, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, chạy lấn làn… gây tai nạn.
|
Hiện nay, cùng với việc tuần tra, kiểm tra xử phạt trực tiếp các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại các tuyến đường, lực lượng Cảnh sát giao thông còn thông qua hình ảnh ghi thu được từ hệ thống giám sát, máy đo tốc độ ghi hình ảnh, thiết bị ghi hình… để xử phạt các đối tượng vi phạm đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Không ai muốn bị phạt - đó là điều chắc chắn. Vậy nên, khi có thông tin về việc phạt “nguội”, ai nấy đều tin rằng, biện pháp này sẽ giúp mỗi người nâng cao ý thức trong khi tham gia giao thông, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nhiều người cho rằng, khi xử phạt thủ công, có những trường hợp vi phạm nhưng được du di, bỏ qua; cộng thêm nhiều nguyên nhân khác khiến việc xử phạt chưa thật sự công tâm, công bằng. Do vậy, người dân ủng hộ việc tăng cường phạt “nguội” để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.
Phạt “nguội” được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Và thực tế, có nhiều tỉnh, thành sau khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cái khó đang tồn tại hiện nay là, trong quá trình mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định hiện hành; có nhiều xe được mua bán, sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương, do vậy, dù phát hiện và thu thập hình ảnh dữ liệu, nhưng việc tìm ra chủ phương tiện cũng như xác minh chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm để xử phạt rất gian nan. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm không sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong khi không phải địa phương nào cũng có cơ chế phối hợp với nhau, nên không dễ để lập biên bản vi phạm hành chính…
Với những khó khăn, bất cập nêu trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, ngoài tỉnh cần có các giải pháp và phối hợp đồng bộ thì mới thực hiện tốt yêu cầu đặt ra. Cùng với đó, cần có những chế tài mạnh xử lý những trường hợp chây ì không chịu nộp phạt; đồng thời cần trang bị thiết bị, máy móc đảm bảo, đáp ứng yêu cầu, tăng tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai.
Ngoài việc phạt “nguội” thông qua các hình ảnh do camera ghi lại, vừa qua, Công an tỉnh cũng công khai hộp thư điện tử, địa chỉ trụ sở và số điện thoại đường dây nóng liên lạc để người dân cung cấp các video, hình ảnh vi phạm giao thông, tăng cường sự giám sát các hành vi vi phạm. Qua các hình ảnh, video của người dân cung cấp, công an sẽ vào cuộc điều tra, xác minh biển số xe, mời chủ các phương tiện lên làm việc và xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực. Bởi lẽ, hiện nay, camera không được lắp ở tất cả các nút giao thông nên việc khuyến khích người dân ghi nhận và phản ánh đến cơ quan chức năng là việc làm cần thiết để góp phần xử lý được nhiều trường hợp vi phạm.
Phạt “nguội” là một trong những giải pháp được người dân ủng hộ và hiệu quả, ai cũng rõ. Và việc khắc phục một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc phạt “nguội”, đồng thời với việc chú trọng thêm nhiều giải pháp thiết thực khác, tin rằng, trong thời gian đến, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ giảm nhiều hơn trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Hoài Tiến