Những nông dân của thời kỳ mới
Họ có thể không phải là người làm nông nghiệp giỏi nhất, cũng không hẳn đã có thu nhập cao nhất, nhưng họ đều là những tấm gương biết vượt khó vươn lên để xây dựng cuộc sống ấm no; hơn thế nữa, họ còn là những người biết sẻ chia và sống vì cộng đồng. Họ chính là những nông dân xuất sắc, là những tấm gương nông dân tiêu biểu trong thời kỳ mới.
Hôm vừa rồi, tự dưng cô bạn đồng môn, giờ là đồng nghiệp đang công tác ở một Đài Phát thanh - Truyền hình của một tỉnh phía Bắc gọi điện vào tâm sự với tôi: Mình mới xem thông tin, ngày 12/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” cho 63 gương mặt nông dân Việt Nam tiêu biểu, sao mình cứ thấy chộn rộn, vui sướng như đó chính là vinh dự của mình. Nói thật với bạn, bao nhiêu năm làm nghề, mình đã đi về vùng sâu vùng xa để viết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân không ít; khi thấy sản xuất bấp bênh, dịch bệnh hoành hành, nông dân khó khăn, trong lòng mình rất xót; lúc giá lên hay khi được mùa, nông dân phấn khởi, mình vui; được cử đưa tin, viết bài về những hội nghị biểu dương, tôn vinh người nông dân, mình vui lắm. Chắc tại mình là con nhà nông và giờ lại công tác tại một tỉnh nông nghiệp và vẫn gắn bó chặt chẽ với sản xuất, chăn nuôi nên cứ nói đến nông dân là như nói về chính mình vậy.
Tôi cười “thú nhận”: Mình tưởng, có mỗi mình “hâm hâm” nên mới thế chứ, ai dè bạn cũng như mình.
Được thể, tôi liền khoe với bạn: Này nhé, trong 63 gương mặt nông dân xuất sắc đại diện trên các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến quốc phòng - an ninh mà bạn vừa kể ấy, cái anh trẻ nhất và là 1 trong số 5 nông dân người đồng bào DTTS được tôn vinh lần này là A Thi của Kon Tum chúng tôi đấy. A Thi năm nay mới 36 tuổi, sinh sống ở khu vực còn rất nhiều khó khăn (làng Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô), nhưng anh đã có một cơ nghiệp khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và một mức thu nhập đáng nể. A Thi có 24ha đất canh tác; trong đó có 5ha cà phê đang kinh doanh, 2,5 ha cà phê mới trồng năm đầu; 8ha cao su đang cho thu mủ và 3ha đang trong thời kỳ kiến thiết; 5,5ha cây mì; 0,5ha ao nuôi cá; tổng thu nhập mỗi năm vào khoảng 2 tỷ đồng. A Thi còn giúp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động và nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
|
Không chỉ là người sản xuất giỏi nhất trong vùng, A Thi còn luôn giúp đỡ về giống cây, chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn chăm chỉ làm lụng để vươn lên thoát nghèo.
Chưa hết, A Thi còn thường xuyên vận động, nhắc nhở bà con trong làng, trong xã của mình xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cứ thế, tôi say sưa kể với bạn như thể đang kể về chuyện của một người thân của mình.
Danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” là vinh hạnh, là niềm tự hào của A Thi và cả gia đình anh, đây cũng là nguồn động viên, khích lệ để anh nỗ lực hơn trong thời gian tới. Còn với dân làng Kon Tu Dốp 2 và có lẽ với tất cả những người nông dân trên địa bàn tỉnh và cả những người luôn gắn bó với nông dân như tôi, A Thi là chính là niềm tự hào của mọi người mỗi khi nhắc đến.
Không chỉ có A Thi, trên khắp các vùng quê của tỉnh ta hiện đang có rất nhiều người nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt khó vươn lên để làm giàu cho bản thân và góp sức xây dựng quê hương. Ước tính, những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 38.600 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Tiêu biểu như ông Hoàng Danh Chuyền (ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) với 17 ha cà phê, 2 ha ao cá, 50 con heo... thu nhập hàng năm trừ chi phí khoảng 2 tỷ đồng; ông Thao Nguyên (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) với mô hình thâm canh cà phê, cao su cho thu nhập hàng năm trên 350 triệu đồng; ông Lò Văn Xuyến (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) với mô hình VAC cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm …
Họ chính là những bông hoa đẹp, những tấm gương tiêu biểu về người nông dân trong thời kỳ mới của đất nước. Họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những giống mới vào nuôi trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất cùng sự cần cù chịu khó nhằm góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị lớn để từng bước đem lại đời sống kinh tế khá giả, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh ta trong thời gian qua cũng đã giúp họ có thêm điều kiện, cơ hội để làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Điều đáng quý là, khi có được chút thành công trong cuộc sống, họ- những người nông dân “một nắng hai sương” trên đồng ruộng hàng ngày còn biết mở rộng tấm lòng để sẻ chia, giúp đỡ cho những người xung quanh để tất cả đều có cuộc sống ấm no hơn.
Không màu mè giáo điều, không “hàn lâm, kinh điển” chính những việc họ đang làm, cách họ chỉ bảo cho bà con trong cùng xóm, cùng làng chính là thực tế sinh động nhất truyền cảm hứng và tạo động lực để mọi người học tập, làm theo. Từ đó, lan tỏa phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần xây dựng những miền quê nông thôn mới. Tôi luôn tự hào về họ - những người nông dân của thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thùy Hương