Ngọt đắng cà phê
Anh uống cà phê phin hay cà phê máy? Tiếng cô phục vụ làm hắn thấy vui vui. Cà phê phin nhé. Hắn nói nhỏ. Cô phục vụ này mới đến quán làm sau kỳ nghỉ dài vì dịch bệnh Covid- 19 nên không biết thói quen của hắn.
Quán nhỏ thôi, nằm trên đường Trần Nhân Tông, nhưng có sức hút với những ai yêu thích sự trầm lắng, yên ả, từ bài trí đơn giản, nhẹ nhàng với tông màu vàng nhạt cổ điển, cây ghi ta gỗ cũ kỹ treo hờ hững trên tường, ly chè xanh được ủ kỹ trong giỏ mây, đến những chùm hoa khô điểm xuyết mỗi góc tường. Vợ chồng chủ quán ăn nói nhỏ nhẹ, luôn mỉm cười và sẵn lòng đổi bản nhạc từ dàn cassette cũ kỹ đặt ở góc cầu thang.
Một nét lạ nữa của quán là chỉ bán… cà phê. Ô hay, quán cà phê bán… cà phê thì có gì là lạ? Nhưng cứ thử nghĩ mà xem, chúng ta đang ở thời buổi “bùng nổ” của trà sữa cùng đủ loại thức uống “độc và lạ” khác, các quán cà phê đua nhau du nhập, “sáng tạo” ra các kiểu thức uống mới, vào quán cà phê đâu phải chỉ để uống cà phê, thì việc quán chỉ bán cà phê lại trở nên… lạ chứ sao.
Hắn thích ngồi ở một chiếc bàn gỗ thấp đặt trên vỉa hè, cùng vài cái ghế đẩu. Mỗi lần thấy hắn, bà chủ lại lặng lặng đem tới một phin cà phê đen. Và hắn tham lam hít hà hương thơm lẫn trong làn hơi nước mỏng manh. Thêm một lý do nữa để hắn gắn bó với quán nhỏ này: Cà phê nơi đây có hương vị quyến rũ, hòa quyện hợp lý của vị đắng đậm và ngọt thanh, làm bất kỳ ai nhỡ nhấp phải ngụm đầu cũng phải chậm lại giây lát để cảm nhận cho kỹ, cho thấm trước khi nhấp ngụm thứ hai, thứ ba…
Trước đây hắn không biết uống cà phê!
Hắn từng ngưỡng mộ vô cùng những gã thanh niên ngồi trên hè phố, ly cà phê hờ hững trên bàn, tư lự nhìn ra phố, lặng lẽ ngắm dòng người qua lại; thi thoảng lại nâng ly nhấp từng ngụm cà phê nhỏ, nhâm nhi vị đắng của nó, đôi mắt mơ màng nhìn xa xăm.
Nhưng lần đầu tiên uống cà phê của hắn lại không thi vị được như vậy. Hôm ấy, mới chân ướt chân ráo đặt chân đến thị xã nhỏ nằm bên dòng Đăk Bla mấy ngày, hắn được bạn mới quen rủ đi uống cà phê bên vỉa hè. Nhấp một ngụm nhỏ, hắn thấy đắng nghét nơi cổ họng, một vị đắng dù cố thế nào cũng không gọi tên được. Và hắn say, say cà phê, một cảm giác khó chịu đến mức không dám nghĩ tới.
Và sau đó hắn nghĩ rằng, cà phê không có vị gì khác ngoài đắng.
|
Tưởng rằng hắn… cạch cà phê đến già, nhưng lòng hiếu thắng đã kéo hắn mon men tiếp xúc với cà phê lần nữa, rồi lần nữa. Bất ngờ thay, hắn thích uống cà phê từ khi nào không hay, dần dần hắn uống cà phê mỗi ngày và cảm nhận nó theo cách riêng của mình!
Với hắn, cà phê không còn là một thứ đồ uống đơn thuần, mà đã trở thành một người bạn. Mỗi lần ngồi đối diện với phin cà phê, trong lặng im, là mỗi lần miên man với những nỗi niềm thầm kín. Mỗi giọt cà phê tí tách rơi là mỗi giọt chạm vào sâu thăm thẳm của những tâm sự cất kín trong lòng; là đằm mình trong hơi thở chậm rãi của thời gian. Và sau vị đắng đót nơi đầu lưỡi là vị ngọt thơm dễ chịu như cuộc đời vốn vậy.
Cà phê đi vào đời sống của người dân phố núi từ bao giờ, không ai biết, nhưng cà phê đi từ góc khuất đến những phố xá sầm uất. Một ngày mới bắt đầu bằng một ly cà phê. Và một ngày cũng có thể kết thúc bằng một ly cà phê. Chẳng cần biết anh là ai, làm nghề gì, chỉ cần có ly cà phê là có thể gặp gỡ, chuyện trò, thành bạn bè, thành tri kỷ từ sự kết nối của ly cà phê.
Quán cà phê như một xã hội thu nhỏ. Ở đó có những câu chuyện rôm rả chẳng dứt, có những phút giây tâm sự tình cảm nhưng cũng có khi là đôi chút trầm ngâm yên lặng. Cảm giác như trong quán cà phê, có một phố núi thu nhỏ với những nét rất đặc trưng, khi thì trầm lắng nhẹ nhàng, lúc lại tất bật nhộn nhịp.
Mỗi người có sở thích uống cà phê khác nhau. Có người thích cà phê truyền thống, pha phin, với đen hay sữa, có đá hoặc không; nhưng cũng không ít người thích cà phê ép máy, hay những loại cà phê mới, cách pha mới, được du nhập từ Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Châu Mỹ, đại loại như Mocha với vị thơm béo của kem tươi và vị ngậy của chocolate nóng, Cappuccino với cà phê và sữa nóng, bột cacao... Riêng hắn thì vẫn là tín đồ của cà phê phin truyền thống. Có lẽ vì hắn thích cảm giác chờ đợi những giọt sóng sánh tí tách rơi xuống đáy ly.
Giữa tất bật mưu sinh, phin cà phê có lẽ là thứ duy nhất đủ giữ chân hắn lại để mà chờ đợi, để mà suy tư. Bên phin cà phê đang tí tách rơi, hắn trải lòng mình trong những tâm sự vui buồn, những ký ức tưởng chừng đã ngủ quên, những cảm xúc tưởng như đã chai sạn trước sóng gió cuộc đời.
Khi đã đến giọt cuối cùng, cho một ít đường, vừa đủ thôi, hơi nhiều thì ngọt, mất vị, hơi ít thì đắng, rồi khuấy đều. Hãy lắng nghe tiếng lanh canh của muỗng chạm vào ly, như âm thanh reo cười rộn rã buổi sớm mai vậy.
Và hơn thế nữa, ở mỗi giọt cà phê đen đen, đăng đắng lẫn nét sóng sánh nâu đỏ kín đáo ấy, hắn có thể cảm nhận được tinh hoa chắt chiu, tích lũy qua nắng mưa, qua năm tháng; sự đồng điệu về tâm hồn của người đã vun trồng, chăm bón, của người rang, xay và của người đã pha chế thành công một ly cà phê tuyệt vời, đắng đót mà vẫn ngọt ngào.
Sáng nay, như bao buổi sáng, hắn ngồi vào cái bàn gỗ quen thuộc, vẩn vơ nghĩ về vần thơ đọc vội trên facbook khi thức giấc: Cà phê đắng như cuộc đời sâu lắng/Nếm bao nhiêu cũng chẳng thấy đủ đầy/Nên trong từng giọt đắng phút này đây/Gửi một chút thương yêu ngày được sống.
Anh uống cà phê phin hay cà phê máy? Cô gái phục vụ hỏi nhỏ. Cà phê phin nhé- hắn cười cười. Nhân viên mới nên không biết thói quen của hắn.
Ánh mắt hắn nhìn một vòng. Dù hắn đến sớm, nhưng vẫn có người còn sớm hơn hắn. Gần như đều quen mặt nhau. Họ gật đầu thân thiện với hắn, trong khi khuấy nhẹ ly cà phê đen sánh. Tiếng muỗng inox chạm vào ly thủy tinh lanh canh.
Cuộc sống đôi khi cũng vui như ta khuấy muỗng, nghe tiếng lanh canh của muỗng chạm vào cốc, cà phê đâu chỉ có mỗi vị đắng? Chỉ những người yêu cà phê đen đích thực, mới nhấm nháp được một chút ngọt ngào của tình đất tình người.
Hồng Lam