Ngỡ ngàng, hoa cải…
Đồng hoa cải bên sông Đăk Bla bây giờ, gọi bước chân người gần người xa. Điểm đến, bình yên chiêm ngắm, lâng lâng lưu giữ dáng hình… Điểm đến, nơi này phố hẹn. Ngỡ ngàng, ai mới nhận ra…
Bé trai chân trần nhảy bước sáo qua con dốc nhỏ, chạy ào trên bãi đất ô thoáng rộng. Bé gái một tay túm vạt váy, một tay giữ vành mũ đội đầu, rảo bước nhanh. Một lát, trước mắt chúng đã là đám cải hoa vàng dịu mát.
Mặt trời đã lên, nắng bãi sông ươm ươm. Hai đứa bé nghiêng người, men theo lối rẽ, lọt vào giữa đám hoa vàng, khúc khích cười…
“Đẹp quá Ty ơi! Ở trỏng có như vầy không?” - tiếng bé gái thanh thanh. “Làm gì mà có! Lần đầu tiên mới thấy đồng hoa cải vàng…” - thằng bé giọng Sài Gòn đặc sệt. Trở ra chỗ thanh ghế gỗ được bắc tạm, đôi bạn nhỏ ngồi xuống, nhún nhảy, làm trò, thích thú “tạo dáng” trước ống kính của người mẹ trẻ.
Thì ra, cậu bé là con vợ chồng người bạn thân, cuối tuần đã đáp xe đò từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Kon Tum thăm gia đình bạn học cũ. Thị thành đông đúc, chật chội, làm gì có cảnh phong quang, thoáng đãng như bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng hôm nay. Ngoài 30 tuổi, các cha mẹ trẻ còn chưa một lần bắt gặp đồng cải nở hoa, nói gì đến những đứa con nhỏ lớp hai, lớp một…
Chị đứng yên, lặng nhìn, mỉm cười...
Đã lâu, lâu lắm rồi, mới lại thấy vườn cải ra hoa.
|
Ngày nhỏ, nhà chị ở ven đê. Con đê sông Đào sừng sững, vững chãi, ngày nào chị cùng đám bạn học cũng đi qua. Con đê che chắn bão mưa, ngăn dòng nước lũ; giữ lấy làng mạc, ruộng đồng, cây trái ở một vùng đất đai phì nhiêu, bằng phẳng. Dưới thân đê, giáp với lòng con nước trong xanh là vùng bãi bồi nâu tươi, quanh năm trồng rau, trồng hoa, trồng đậu. Ở đó, những luống cải thìa, cải cúc, cải bẹ, giàn bí, giàn đậu… đã trở nên quen thuộc với bao lớp trẻ, già.
Rau trồng gối đầu nên hầu như tuần nào, mẹ cũng cắt, gánh ra bán ở chợ phiên đôi ba ngày một buổi. Những mớ cải xanh non theo nhau rời bãi sông, mang lại từng đồng xu, hào bạc dành dụm, chắt chiu; mẹ lo gạo mắm hàng ngày, chăm lo học hành cho mấy đứa con thơ dại. Đôi khi, những luống cải non được để “già” thêm, lên ngồng, cũng thành món rau có hương vị riêng được nhiều người ưa thích.
Mỗi năm một lần, sau kỳ cải xanh tháng 9, mẹ thường dành lại mỗi thứ một khoảnh, cần mẫn tưới chăm cho đến khi kết nụ, ra hoa. Hoa cải nở bền, vàng rộm cả một góc bãi, trước khi cây khô, lấy hạt để dành rải gieo cho tiếp vụ sau.
Chị nhớ câu thơ có khi mẹ ngâm nga: “Ai làm cho cải tôi ngồng/Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê…”. Ấy là tiếng lòng của cô thôn nữ ngày xưa gặp cảnh hẩm hiu, làm lụng siêng chăm mà chẳng may phải xẻ nghé tan đàn từ khi còn trẻ… Ấy là cái “duyên nghiệp” buồn mà chẳng biết tự khi nào, người xưa đã gán cho “cải ngồng”, cải nở ra hoa. Nhưng cũng ý nhị làm sao, vì cho dù ở trong hoàn cảnh nào, thì người phụ nữ tảo tần cũng vén khéo thương yêu, vun đắp: “Chồng chê thì mặc chồng chê/Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ…”.
Đến đời mẹ chị thì cuộc sống đã khác. Tuy vất vả, nhọc nhằn, quanh năm chân trần bấm đất, nhưng nhờ vào cây cải bên sông mà thuận vợ thuận chồng, chăm lo cho con cái mạnh khỏe, siêng ngoan, chịu khó học hành.
Từng mùa hoa cải vàng ươm đã đi qua trong ký ức tuổi thơ dịu ngọt.
Xa quê, gia đình chị chuyển vào sống ở mảnh đất bên dòng Đăk Bla chảy ngược. Nhà không còn trồng rau trồng hoa, nhưng Trường THPT Kon Tum thì ở gần bãi sông nên bạn bè sum vầy thường có những buổi chiều rủ nhau ra đây chơi đùa, hóng mát. Sau khai giảng chừng thời gian cũng là mùa cây cải ra hoa. Vẫn bác nông dân chịu khó để dành vạt rau, cho nụ vàng đơm bông kết hạt.
Năm tháng qua đi, khi hạt giống không còn hiếm khan mà trở thành phổ biến, thì dường như chẳng mấy ai còn bận bịu để tâm giữ cây lấy hạt. Hoa cải bên bãi sông này cũng lặng lẽ vắng xa…
Đã lâu, lâu lắm rồi, mới gặp lại một mùa hoa cải. Bờ bãi dưới chân cầu Đăk Bla nắng vàng tươi màu hoa.
Không phải là kỷ niệm mà cho đến giờ, chị mãi chưa quên khi đã xem những thước phim đầy ám ảnh về đồng cải hoa vàng xuyến xao, rung động từ bộ phim truyền hình “Lời nguyền của dòng sông” một thời ấn tượng.
Không phải là hình ảnh xốn xang áo mẹ bạc mồ hôi, vườn cải nắng ngày nào.
Đồng hoa cải bên sông Đăk Bla bây giờ, gọi bước chân người gần người xa. Điểm đến, bình yên chiêm ngắm, lâng lâng lưu giữ dáng hình… Điểm đến, nơi này phố hẹn. Ngỡ ngàng, ai mới nhận ra…
Thanh Như