Lúa đang thì con gái
Tháng Ba, nắng vàng như hũ mật ong ngọt ngào rải đều từng nhành cây, ngọn cỏ, trên đám ruộng lúa xanh thì con gái trải dài ngút ngát trước mắt. Một thảm xanh màu hy vọng. Một thảm xanh ngời ngời sức sống. Một thảm xanh gần gũi lắm, nhớ nhung lắm mà chưa thể gọi tên. Chỉ mới nhìn thôi mà nghe như cả khoảng trời trước mắt dịu mát. Nghe như cả không gian được ướp hương.
Bước dọc ven bờ ruộng, mùa này nước đã cạn dần, nước xâm xấp chân lúa. Trải qua những ngày xuân ấm áp, lúa vụ đông xuân như xanh hơn mỗi ngày. Chẳng phải thẳng cánh cò bay như thơ văn vẫn tả, những ruộng lúa vùng cao nguyên được người nông dân cần mẫn tận dụng từng khoảnh đất, khe suối. Nơi chuyên canh lúa gạo thì ngan ngát xanh, nơi đám ruộng bậc thang tận dụng khe suối dẫu nho nhỏ nhưng cũng một màu xanh tràn trề hy vọng.
Cữ này lúa đang thì con gái. Mơn mởn, óng ả. Nhờ uống nước sông Đăk Bla, thấm vị phù sa bồi đắp. Nhờ đắm mình trong ánh mắt mong đợi cộng với những giọt mồ hôi thấm đẫm sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều của bao người nông dân lam lũ. Nhờ cần mẫn bám lấy bùn đất, chắt chiu cả nắng, gió, sương sa, quyện thành mùi hương quê vô cùng thân thương.
Lúa đẹp, cánh đồng đẹp. Các cô, các chị muốn thu giữ lại khoảnh khắc, thướt tha trong tà áo dài sắc màu nghiêng nghiêng bên thảm lúa xanh thì con gái. Mà nào đâu các cô, các chị, cả không biết bao người khác nữa cũng đã chờ, đã đợi, đã chọn những thảm lúa xanh thì con gái này để làm cảm hứng, cho dù chỉ là một status ngắn, một bức ảnh đẹp để chia sẻ với bạn bè trên facebook.
|
Cũng phải thôi. Mải mê với mưu sinh. Quen đến mức thành lối mòn, thành công thức chặng đường từ nhà đến công sở. Quen với những cây được tạo thế, uốn nắn đủ hình thù; những bông hoa sang chảnh được gói trong những giấy bóng sắc màu... Nên một ngày gặp lại màu xanh tự nhiên, không cắt gọt, không tô vẽ của cánh đồng lúa đang thì con gái, lòng bất chợt mênh mang, nôn nao. Cảm giác như những ngày đến trường trên con đường làng có cánh đồng lúa chạy dọc hai bên. Những ngày theo chúng bạn mò cua bắt ốc ven ruộng lúa. Như hiển hiện những dòng chữ màu tím nắn nót khi cô giáo ra đề bài “Tả cánh đồng lúa quê em” của ngày trôi về phía cũ. Như thấy tuổi thơ của chính mình, của thế hệ con trẻ sau được tiếp nối. Như ngửi thấy mùi ngai ngái của bùn đất, mùi tinh khiết, khô nồng của nắng, mùi dìu dịu của lúa non, mùi thân thương, bình dị của quê mình. Và cả mùi mồ hôi mặn chát trên vai áo xanh đã bạc màu của mẹ cha.
Màu xanh ấy cứ thế mà qua bao mùa lúa len lỏi vào ký ức. Màu xanh ấy khiến những ai lớn lên từ đất quê ruộng làng thấy lòng bình yên, thơ dại và cũng dấy lên những tha thiết mong chờ cháy bỏng. Có phải vì màu xanh dịu dàng gợi lên bao hy vọng về một ngày vàng ấm no, trù phú, hạnh phúc. Có phải vì màu xanh ấy như nghĩa tình cây lúa, biết trả ơn trời đất, công chăm bẵm vun trồng của bao người nông dân, cứ cần mẫn bám rễ sâu vào lòng đất, đón nắng, đón mưa chờ ngày tận hiến dâng cho đời những “hạt ngọc trời cho”. Và có phải vì màu xanh của lúa đang thì con gái ấy giống như lòng người, thèm một bãi bờ yên bình. Bỏ mặc những lúc cứ nhìn trên trời cao, mê mải theo những vì sao xa, nhưng có chút chùng lòng lại chỉ muốn ngồi một mình ngắm đồng lúa xanh xa ngái. Bỗng như được vỗ về, lòng người bớt mệt mỏi, cuộc sống xô bồ cũng lắng dịu phần nào. Và tự nhủ rằng mọi sự biến chuyển là tất yếu giữa vô biên, qua mùa đông giá rét tới xuân sang cỏ cây lại bạt mầm nảy nụ, xanh tươi mơn mởn.
Để rồi, dù có đi xa, cái màu xanh thì con gái, cái mùi ngai ngái bùn đất, cái mùi dìu dịu lúa non ấy khiến biết bao người con lớn lên từ đất quê, từ ruộng làng khắc khoải. Chỉ biết rằng, cứ đến mùa này, lại thích chạy xe ngang qua những cánh đồng để được được cảm nhận những gì gần gũi, thân thương. Để được ngắm nhìn màu xanh ngút ngát, hít một hơi thật sâu mùi hương lúa, cảm thấy yên bình từ trong tâm khảm và khóe mắt cay cay.
Nguyên Phúc