Ký ức tháng Bảy
Lắm khi ông nghĩ, gần nửa thế kỷ trôi qua mà sao những ký ức vẫn vẹn nguyên, tươi mới đến vậy. Ừ, chẳng phải ký ức đó là một phần của lịch sử, là những gian khó, là sự hy sinh, là sự anh dũng kiên cường mà thế hệ cha ông ông, thế hệ ông tiếp nối. Tất cả vẫn luôn được hồi cố, trở đi trở lại trong sâu thẳm tâm hồn để lưu giữ hạnh phúc, để nhớ những ngày khi ông còn rất trẻ. Để khiến ông vững tin hơn, chịu khó sửa soạn bản thân để hoàn thiện mình, để răn dạy cháu con không quên công ơn những người đi trước.
“Tôi vẫn còn may mắn hơn những đồng đội khác”…
Giọng ông đứt quãng, nhỏ dần, rồi nấc nghẹn. Giọt nước mắt chầm chậm lăn trên gương mặt chằng chịt những nếp thời gian. Ánh mắt trầm tư, mờ đục bỗng trở nên xa xăm…
Những kỷ niệm xưa, những ánh mắt đồng đội, hình ảnh những vạt cây rừng nham nhở sau mỗi trận mưa bom bão đạn… như những thước phim quay chậm, quay chậm đưa ông trở về mấy chục năm trước…
Ông, khi ấy là chàng thanh niên ở lứa tuổi đôi mươi cùng đồng đội băng rừng, lội suối. Những lần ướt sũng trong cơn mưa rừng dầm dề tháng bảy, đồng đội chia nhau củ măng, củ chuối rừng, củ mì cho qua bữa. Những ngày tháng ba hành quân qua cánh rừng già Tây Nguyên, hoa Pơ Lang thắp đỏ cả góc rừng. Sắc đỏ mãnh liệt như thiêu như đốt lòng. Đồng đội nhủ nhau, đấy là khí phách của những người lính đã ngã xuống vì non sông đất nước. Dù bao nhiêu biến thiên, vật đổi sao dời, những người lính ấy vẫn kiên gan sừng sững, những trái tim vẫn ngời sắc đỏ, tạc vào đất trời, gieo vào lòng người lời nhắc nhớ cho đến muôn sau.
|
Ông nhớ những đêm giấc ngủ không được yên, ngủ hầm mà trên thì bom đạn, máy bay, biệt kích, dưới thì nước mưa sùng sũng áo quần ướt dầm dề. Nhớ cơn sốt rét rừng Trường Sơn quật ngã ông đúng thời điểm những cơn mưa rừng trút hối hả khi đơn vị đang hành quân tăng cường lực lượng cho mặt trận. Và nhớ lắm cái thiếu đói, bệnh tật… khi những năm ấy, chiến trường Tây Nguyên gặp khó khăn về đạn dược, thuốc men, quân tư trang, lương thực… Nhưng gian khó nào có hề chi. Ông, đồng đội ông luôn kiên cường, anh dũng với những chiến dịch, với những chuyến hành quân băng rừng, lội suối… Biết bao buồn – vui, nước mắt – nụ cười đan xen…. Tất cả cuốn ông đi cùng với sự sôi nổi, nhiệt thành của tuổi trẻ…
Lắm khi ông nghĩ, gần nửa thế kỷ trôi qua mà sao những ký ức vẫn vẹn nguyên, tươi mới đến vậy. Ừ, chẳng phải ký ức đó là một phần của lịch sử, là những gian khó, là sự hy sinh, là sự anh dũng kiên cường mà thế hệ cha ông ông, thế hệ ông tiếp nối. Tất cả vẫn luôn được hồi cố, trở đi trở lại trong sâu thẳm tâm hồn để lưu giữ hạnh phúc, để nhớ những ngày khi ông còn rất trẻ. Để khiến ông vững tin hơn, chịu khó sửa soạn bản thân để hoàn thiện mình, để răn dạy cháu con không quên công ơn những người đi trước.
Nên dẫu sương mai đã đậu trắng mái đầu, dẫu những vết thương trong thịt da lại trở đau khi trái gió trở trời, ông vẫn nhiệt thành với việc làng, việc xóm, vẫn chăm chút chuyện rẫy vườn, nhắc nhở cháu con chăm chỉ học tập, lao động. Vùng đất nơi ông ở một thời được xem là “hố bom”, “chảo lửa” nay đã được hồi sinh. Màu xanh của rẫy mì, cao su, cà phê trập trùng tựa vào dãy núi Trường Sơn vững chãi.
Mỗi khi có dịp, ông tỉ mẩn pha ấm trà ngon ướp hương hoa nhài rồi sai cậu cháu đi mời mấy ông bạn già ôn chuyện chiến đấu. Gặp nhau, vồn vã tay bắt mặt mừng. Háo hức vẫn vẹn nguyên khi kể cho nhau nghe chuyện những năm tháng chiến tranh. Chuyện người nọ nhà neo người, lại chưa đủ tuổi, vậy mà hết lần này đến lần khác tìm gặp cán bộ xã, cán bộ huyện nằng nặc xin được đi bộ đội, địa phương phải dăm ba lần họp xét duyệt; người kia nhẹ cân quá, đến ngày khám sức khỏe lén bỏ viên đá trong túi thêm cân nặng để được đi bộ đội. Rồi chuyện gài bom, đánh giặc; chuyện được bà con đãi bữa cơm bọc thép với mớ rau rừng mà dư vị ngọt ngào vẫn lắng đọng cho đến hôm nay… Bất chợt ai đó nhắc đến một cái tên, không khí như chùng xuống. Tiếng thở dài lẫn vào trong cơn mưa dầm như cố quên đi những câu chuyện buồn… Mà dễ gì quên được. Nỗi nhớ thương đồng đội hy sinh theo suốt những người như ông từ trận đánh này sang trận đánh khác, từ chiến dịch này sang chiến dịch khác, kể cả lúc quân ta ca khúc khải hoàn, kể cả hôm nay khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ.
Lắng nghe câu chuyện của ông, tôi chợt nhận ra mình mang ơn những nụ cười, những giọt nước mắt, những hy sinh âm thầm, lặng lẽ và bền bỉ của ông, của bao nhiêu thế hệ cha ông. Tổ quốc thiêng liêng nên có biết bao nhiêu chàng trai, cô gái ở lứa tuổi hai mươi như ông đã không ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua những thổn thức riêng tư để góp phần giữ gìn, bảo vệ trọn vẹn dải đất hình chữ S. Mừng là cho đến hôm nay, hào khí ấy, mạch nguồn ấy, cứ thế, cứ thế mà được các thế hệ tiếp nối. Các con, các cháu ông và cả tôi, cả bao thế hệ sinh ra sau chiến tranh nữa, lắng nghe để hiểu hơn, để tri ân các thế hệ cha ông, để nhắc nhủ nhau chuyện làm ăn, chuyện học hành...
Nguyên Phúc