Gió thu thổi mãi
Nắng vẫn nhuộm vàng trên quảng trường, sánh như mật, vòm trời hôm nay xanh ngăn ngắt. Lá cờ Tổ quốc căng gió, bay phần phật. Đi dưới cờ Tổ quốc, tôi từng cố hình dung ra hình ảnh hào hùng của những ngày thu lịch sử nhưng đành chịu. Có điều tôi biết chắc rằng, ông tôi, bác tôi, anh tôi và hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, như cơn gió mùa thu, đã và mãi đi theo lá cở đỏ thắm ấy
Từ nhà tôi xuống Quảng trường 16/3 nói xa thì không xa, nói gần thì rõ ràng là không gần, khoảng 3 cây số. Nhưng không biết tự khi nào tôi có thói quen chạy xe ra đây vào mỗi buổi chiều, rồi bỏ xe, thong dong tản bộ trên những con đường ngắn lát gạch đỏ thẫm chạy ngang dọc, chia sân cỏ xanh mướt thành ô bàn cờ.
Bạn nhìn tôi lom lom khi nghe tôi kể vậy: Tìm hóng gió thu hả? Tôi chỉ cười. Ừ thì những ngày thu này rất đẹp. Gió không còn quất ào ào như đàn ngựa bất kham nữa mà nhẹ nhàng, nựng nịu, mơn trớn, thỉnh thoảng nghịch ngợm thổi tung mái tóc ai đó, rồi đắc ý lao vụt đi.
Nắng không còn quay quắt, như chỉ muốn dồn đẩy, xua đuổi người ta tìm đến bất cứ nơi nào có bóng mát nữa, mà vàng nhè, mà sóng sánh, như chỉ cần đưa lưỡi ra là có thể nếm được vị của nắng.
Nhưng bạn làm sao hiểu được, khi đi bộ trên quảng trường, dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió thu lồng lộng, tôi như chìm đắm trong một âm hưởng linh thiêng của những ngày thu xưa và Quốc khánh đầu tiên, mà hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng no gió như một nét gạch nối trong dòng chảy lịch sử.
|
Ngày 25/8, cũng như mọi ngày, tôi dựng xe vào gốc cây quen thuộc. Và bắt đầu hành trình quen thuộc dưới cờ Tổ quốc tung bay. Nhưng tâm hồn thì đã phơi phới nơi xa xăm.
Ngày này, ở quê, gia đình tôi làm giỗ cho ông ngoại. Dù ở xa, nhưng tôi vẫn biết, như mọi năm, đại diện gia đình sẽ ngược lên miền ngược, tìm đến một ngôi đình làng cổ kính để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ ông.
Nơi ấy, trong một chuyến công tác, ông lâm bệnh nặng, và mất vào rạng sáng ngày 25/8/1945, chỉ ít ngày sau khi người dân quê tôi vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong lịch sử đảng bộ huyện có một câu ngắn gọn “Trên đường đi công tác, ông…, cán bộ ủy ban cách mạng lâm thời huyện lâm bệnh mất đột ngột tại …”. Cũng vì lâm bệnh mất đột ngột trong thời điểm lịch sử, giấy tờ cũng thất lạc hết, nên ông ngoại tôi không được hưởng chế độ gì.
Cho đến bây giờ, chuyện về ông ngoại tham gia cách mạng khi nào, hoạt động ở đâu, làm những gì, xa nhà biền biệt ra sao… cũng chỉ được kể, được truyền miệng trong gia đình, được các thế hệ con cháu nâng niu, trân trọng và tự hào.
Khi lớn lên, tôi có thắc mắc với bà ngoại tôi rằng, sao ông ngoại tham gia cách mạng sớm thế, làm nhiều việc thế mà không được hưởng chế độ gì? Bà móm mém nhai trầu, cười: Tổ cha mi, hồi đó đang là lúc nước sôi lửa bỏng, không ai nghĩ đến, sau đó là chiến tranh liên miên, nên cũng là chuyện bình thường.
Lạ thay, hai chữ “bình thường” ấy lại xuất hiện nhiều lần trong gia đình tôi, dù hoàn cảnh xuất hiện không hề “bình thường” chút nào.
Khi bác ruột tôi, một kỹ sư giao thông, lên đường nhập ngũ, có mặt trong đội ngũ đi B, rồi hy sinh trên tuyến lửa Quảng Bình. Đêm nào bà cũng khóc. Từ đó mắt bà kém dần và không thấy gì nữa.
Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, anh họ tôi tròn 18 tuổi, là con một, không nằm trong diện nhập ngũ, nhưng vẫn trốn nhà đi bộ đội, dấn thân vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, bác tôi chỉ nói đúng một câu “nó đi cũng là bình thường”.
Chỉ mấy tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử, anh hy sinh ở Vị Xuyên (Hà Giang), khi ấy, bác tôi cũng nuốt nước mắt mà rằng “đất nước có chiến tranh, hy sinh vì nước cũng là bình thường”. Vài ngày sau bác nằm liệt giường cả tháng.
Sau này khi học đoạn trích “Mùa thu nay khác rồi” trong bài thơ Đất nước của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi cứ đinh ninh mà rằng, tác giả đang kể về Mùa Thu tháng Tám năm 1945, dù tác phẩm được tác giả viết từ năm 1948 đến năm 1955 mới hoàn thành, tức là trong kháng chiến chống Pháp.
Từ tiếng reo vui rộn rã “Mùa thu nay khác rồi/Tôi đứng đây nghe giữa núi đồi” đến sự khẳng định chân lý “Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta…”. Tất cả chẳng phải là được dành cho mùa Thu năm 1945 hay sao?
Nắng vẫn nhuộm vàng trên quảng trường, sánh như mật, vòm trời hôm nay xanh ngăn ngắt. Lá cờ Tổ quốc căng gió, bay phần phật. Tôi lại nhớ đến đoạn trích từ tiểu thuyết Vỡ bờ của nhà văn Nguyễn Đình Thi về cảnh nhân dân ta vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám “Gió tháng tám thổi lộng, làm dậy lên đỏ rực lớp lớp những lá cờ... Cả biển người im dần. Chỉ còn tiếng những loa phóng thanh oang oang vang xa. Những loa phóng thanh đang truyền đi lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa. Những loa phóng thanh truyền đi lệnh giành chính quyền ở Hà Nội, thủ đô nghìn năm của nước Việt Nam...”.
Cho đến bây giờ, đi dưới lá cờ Tổ quốc, tôi vẫn cố hình dung ra hình ảnh ông ngoại mình tham gia vào “biển người” ấy như thế nào. Nhưng đành chịu. Có điều tôi biết chắc rằng, ông tôi, bác tôi, anh tôi và hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, như cơn gió mùa thu, đã và mãi đi theo lá cờ đỏ thắm ấy.
Quảng trường 16/3 bắt đầu xuất hiện những người đi tập thể dục sớm. Nắng thu vốn đã dịu dàng, hiền hòa, càng về chiều lại càng mềm mại hơn, nhẹ nhàng quấn lấy họ, như quyến luyến, bịn rịn trước khi lui gót.
Rồi thêm những cô bé, cậu bé lứa tuổi học trò đạp xe vào quảng trường. Kỳ nghỉ hè ngắn ngủi do dịch bệnh đã gần kết thúc, ít ngày nữa các em sẽ bước vào năm học với niềm vui mới, nỗi vất vả mới. Tôi không biết 5 năm hay 7 năm nữa, các em sẽ học về “Đất nước”, nhưng hẳn rằng các em cũng sẽ như tôi, sẽ tự hào mà đọc bằng giọng to khỏe cất lên từ lồng ngực: “Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta…”.
Không hiểu sao từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng rồi mọi sự sẽ đi qua, bao gian nan, bao khó khăn, kể cả “giặc” Covid-19 kia cũng sẽ bị hào khí tháng Tám, bị hồn thiêng của non sông quét sạch.
Và trong tiếng rì rào của gió thu, chúng ta vẫn được nghe kể về đất nước của “những người chưa bao giờ khuất”. Chỉ rì rầm thôi, nhưng cũng đủ để mỗi người đang sống có trách nhiệm hơn với những gì đang có.
Cờ Tổ quốc vẫn tung bay trong gió thu thổi mãi.
Hồng Lam