Đừng biến con thành cậu ấm, cô chiêu
Với lối giáo dục bao bọc, nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con ở không ít gia đình hiện nay đã vô tình biến con mình thành những cậu ấm, cô chiêu, sống ích kỷ, thực dụng, chỉ biết “nhận” mà không biết chia sẻ.
Khi cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thì câu chuyện về một số du học sinh về nước tránh dịch tỏ thái độ coi thường, không hợp tác, chê bai khu cách ly; rồi chuyện hàng trăm bậc phụ huynh bất chấp dịch bệnh, tụ tập đội nắng để gửi đồ tiếp tế cho các cậu ấm, cô chiêu khiến dư luận bất bình.
Mỗi ngày đọc báo, xem ti vi, theo dõi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, chắc hẳn rất nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc khi xem những hình ảnh về đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu ngày đêm căng mình chống dịch; các anh bộ đội căng lều bạt nằm ngủ dưới nền đất, các em sinh viên hối hả dọn đồ trong đêm để nhường chỗ ở của mình cho những người đến cách ly; các tình nguyện viên, những người làm công tác hậu cần ăn vội chén cơm ngay trên những bậc cầu thang, tranh thủ nằm chợp mắt dưới màn trời chiếu đất trong những ca làm thâu đêm chuẩn bị cơ sở vật chất đón du học sinh và kiều bào về nước tập trung cách ly.
Để chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, hàng triệu người dân Việt Nam đã sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo, đóng góp vật chất, tiền của cho công tác phòng chống dịch bệnh. Cảm động biết bao về câu chuyện mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) cặm cụi ngày đêm tham gia may khẩu trang hỗ trợ phòng chống dịch; mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi, ở thành phố Đà Nẵng) đã ủng hộ hết số tiền 5 triệu đồng dành dụm được; cụ Lê Thị Niệm (78 tuổi, ở Thanh Hóa) tự đạp xe đến trụ sở UBND xã để ủng hộ 1 triệu đồng, vì muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh; có cháu bé lấy hết tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người.
|
Xúc động trước những hình ảnh đẹp, những việc làm có ý nghĩa bao nhiêu, dư luận lại bất bình bấy nhiêu trước thái độ vô ơn, hạch sách của một số du học sinh. Về đến sân bay, một số du học sinh gây khó khăn, thiếu hợp tác, đưa ra những đòi hỏi vô lý, buộc lực lượng chức năng phải cưỡng chế cho lên xe vận chuyển về các địa điểm cách ly. Khi về đến chỗ cách ly, một số du học sinh đã chê bai đồ ăn, cơ sở vật chất, thậm chí có du học sinh còn đăng bài chê bai, than vãn về điều kiện ăn ở với những từ ngữ khó nghe, không đúng sự thật; có du học sinh trốn khỏi nơi cư trú khi đang thực hiện cách ly tại nhà để ra sân bay thực hiện chuyến bay sang Anh.
Chưa hết bức xúc với thói ích kỷ, hành động vô ơn của một số du học sinh (dù đây chỉ là một bộ phận cá biệt), dư luận lại được phen dậy sóng bởi lối nuông chiều con thái quá của các bậc phụ huynh. Mặc dù biết con em của họ ở các khu cách ly tập trung đều được nhà nước cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày đảm bảo đủ dinh dưỡng, chất lượng theo quy chuẩn, lại được các tình nguyện viên và đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc tận tình, nhưng bất chấp dịch bệnh, dưới trời nắng như đổ lửa, hàng trăm phụ huynh vẫn chen chúc, lỉnh kỉnh đồ đạc đến tiếp tế cho con em, người thân của mình. Nào quạt hơi nước, gấu bông, đồ ăn, thức uống, thậm chí có người còn đem theo cả tủ lạnh. Có ông bố còn vượt hơn 100 km đến chỗ cách ly để tiếp tế ổ điện, cục phát wi-fi cho con.
Không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng rõ ràng với lối giáo dục bao bọc, nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con ở không ít gia đình hiện nay đã vô tình biến con mình thành những cậu ấm, cô chiêu, sống ích kỷ, thực dụng, chỉ biết “nhận” mà không biết chia sẻ.
Yêu thương con, muốn con thành tài, trước hết phải dạy con về đạo đức, lẽ sống ở đời, dạy con biết cư xử cho đúng, cho đẹp, đặc biệt phải dạy con về tính tự trọng, lòng biết ơn, sự hy sinh, biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ mọi người.
Hoàng Thúy