Đến hẹn lại… lo
Thời điểm Tết, nhu cầu về thực phẩm của nguời dân tăng cao. Đây là cơ hội để các thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường. Vì lẽ đó, người tiêu dùng lại bắt đầu lo lắng.
Mấy ngày trở lại đây, dù giá thịt lợn đã “hạ nhiệt” nhưng nhiều người vẫn chưa thôi lo lắng. Không chỉ lo giá thịt cao khiến các mặt hàng khác cũng theo đà leo thang, nhiều người còn nơm nớp sợ người chăn nuôi vì lợi nhuận mà bất chấp sử dụng các chất tăng trọng cho lợn nhanh lớn, kịp bán trước Tết. Người tiêu dùng nếu không may sử dụng phải loại thịt có các chất này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe: rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, tăng huyết áp, tạo điều kiện phát triển khối u ác tính… Và hiển nhiên, không ai muốn bỏ tiền ra để… mua bệnh vào người.
Thời điểm Tết, nhu cầu về thực phẩm của nguời dân tăng cao. Đây là cơ hội để các thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường. Vì lẽ đó, không riêng thịt lợn, người tiêu dùng còn lo sợ mua phải rau củ ngâm hóa chất, hải sản ướp phân ure, giò chả làm từ thịt bẩn, bánh mứt chứa chất phụ gia, gạo tẩy trắng.
Không lo sao được khi vừa qua, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, hàng quá hạn sử dụng, hàng giả, các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn chất lượng. Như mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hơn nửa tấn thịt động vật đã biến đổi màu sắc, không đảm bảo an toàn thực phẩm đang được vận chuyển đi tiêu thụ; hay cuối năm, quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã phát hiện khoảng 40 tấn thịt lợn, gà đã qua giết mổ, bốc mùi hôi thối, khó chịu tại một cơ sở sản xuất giò, chả. Và nhiều vụ việc khác…
Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho chính mình, nhiều người đặt niềm tin vào các thực phẩm nhà làm để biết rõ nguồn gốc, xuất xứ; chấp nhận tìm đến tận các làng, các xã, các hộ chăn nuôi uy tín để mua thực phẩm. Một số khác, chọn cách tự cung tự cấp: trồng rau, nuôi gà, thả cá… để có bữa ăn an toàn.
|
Như chị bạn tôi, năm nào chị cũng tìm đến các làng đồng bào DTTS để mua lợn, mua gà về phục vụ Tết. Năm nay cũng vậy, chị nhờ người quen ở xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) mua một con lợn làng về để tự tay làm chả; lấy thịt gói bánh chưng, bánh tét… Chị bảo, sợ mua phải thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe nên cái gì có thể làm được, chị đều cố gắng làm.
Không chỉ làm chả, giò, nấu bánh chưng, bánh tét, lo sợ các loại bánh mứt chứa nhiều chất phụ gia, phẩm màu độc hại, nhiều người còn cất công làm bánh, làm mứt; tự tay lên men nấu rượu. Dù việc làm thủ công, mẫu mã không hấp dẫn bằng hàng bày bán sẵn, nhưng họ yên tâm sử dụng.
An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề được mọi người quan tâm; nhất là dịp Tết, lễ hội, vấn đề này càng trở nên… nóng. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, Bộ Y tế đã có kế hoạch thanh, kiểm tra về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, từ ngày 15/12/2019 đến 25/3/2020, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội: bánh kẹo, mứt, rượu bia… Cùng với đó, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Tại địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lí việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020.
Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phân công các đơn vị chức năng thuộc các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chú trọng kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng…
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn cho chính mình, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn mua hàng ở những địa điểm uy tín. Hơn thế, hãy kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, kém chất lượng để thực phẩm bẩn không còn chỗ đứng trên thị trường, cùng nhau đón một mùa Tết ấm no, an toàn.
Hoài Tiến