Đã uống rượu bia - không lái xe
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó, lái xe sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính. Lái xe khi đã uống rượu bia đâu chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn trở thành mối nguy hại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Mấy ngày nay, xóm nhỏ bàng hoàng khi cậu học sinh lớp 12 trong xóm mất vì tai nạn giao thông. Ngôi nhà đang ấm êm, hạnh phúc, giờ phải phủ cảnh tang thương. Hàng xóm, người quen, bạn bè, ai nấy đều chua xót vì thương cậu tuổi đời còn quá trẻ, chưa kịp chạm tay đến ước mơ.
Tai nạn giao thông - nỗi ám ảnh của biết bao nhiêu người. Không ít cảnh con mất cha, mất mẹ; vợ mất chồng; nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh cũng chỉ vì nỗi đau tai nạn giao thông. Như tỉnh ta, trong năm 2019 xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông làm 63 người chết và 44 người bị thương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó, lái xe sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chính. Câu nói “Đã uống rượu bia - không lái xe” được lặp đi lặp lại hàng ngày, ai cũng thuộc, ai cũng biết. Hơn thế, những câu chuyện tang thương do lái xe gây ra sau khi uống rượu bia đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Thế nhưng, dường như với nhiều người, đó vẫn chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cứ ngồi vào bàn nhậu, vì ham vui, vì cả nể, vì bị ép, kích động… mọi hiểm nguy được cảnh báo trước đều tan biến. Dẫu đang đi xe ô tô hay xe máy, họ vẫn cạn chén nồng. Đến lúc xảy ra hậu quả, ân hận thì mọi việc đã muộn màng.
Lái xe khi đã uống rượu bia đâu chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn trở thành mối nguy hại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Cách đây không lâu, tôi nghẹn lòng đọc câu chuyện của hai anh em chưa đến tuổi vị thành niên phải sống trong căn nhà trọ nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh, lay lắt nuôi nhau vì mẹ bị mất trên đường đi làm về do người say rượu điều khiển phương tiện đâm trúng. Cuộc sống đang êm ấm, chỉ vì tai nạn giao thông khiến các em phải rơi vào cảnh khó khăn, đầy rẫy những chông gai, thử thách.
|
Vừa qua, hưởng ứng phát động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhiều người đã thay đổi ảnh đại diện trên facebook với logo “Đã uống rượu bia - không lái xe” và “Say xỉn lái xe là tội ác”, như một nỗ lực để cùng chung tay cảnh tỉnh, ngăn chặn những tai nạn thảm khốc do lái xe uống rượu bia gây ra. Tuy nhiên, nỗ lực ấy cũng chỉ hạn chế được một phần nhỏ, tai nạn giao thông do rượu bia vẫn xảy ra hàng ngày.
Mới đây, để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Luật quy định rõ 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại rượu bia. Trong đó, cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Và đặc biệt, tại khoản 6, Điều 5, Luật cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, người tham gia giao thông chỉ được chọn hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe.
Đây là một trong những quy định cần thiết, góp phần giảm thiểu nỗi đau của tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với thói quen uống rượu bia “không say không về” và lái xe trong tình trạng ngà ngà hơi men, luật mới đã đặt ra nhiều thử thách cho cả cơ quan chức năng và người dân. Nhiều người đồng tình với luật mới, nhưng cũng còn không ít băn khoăn: ai sẽ đi giám sát việc xúi giục, ép rượu, ép bia? Và chuyện đi xe ôm, taxi khi đi nhậu cũng trở thành vấn đề tranh cãi.
Phải nghĩ đúng rằng, luật pháp ban hành không chỉ để xử phạt mà còn để điều chỉnh hành vi con người theo đúng quy định của pháp luật. Quy định trên để mọi người một lần nữa nhìn nhận về cách ứng xử trong “văn hóa rượu bia”. Giờ đây mỗi người có thể dễ dàng căn cứ vào quy định của Luật để từ chối uống rượu bia đảm bảo tính mạng cho chính mình và cho người khác.
Và đặc biệt, với quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, mỗi người cần nhìn nhận, hiểu và thay đổi thói quen. Rõ ràng, tốt nhất, đã đi nhậu thì không đi xe để đến khi say khỏi gặp phiền và an toàn trên đường về.
Mùa tất niên đến gần, những quy định nêu trên được xem là rất kịp thời. Hy vọng, các cơ quan chức năng thực thi luật một cách nghiêm túc. Cùng với đó, mỗi người cần nhìn nhận, thay đổi ý thức của chính mình, thực thi theo luật để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho chính mình và mọi người, để cùng nhau đón một cái Tết an vui, hạnh phúc.
Hoài Tiến