Chiếc đèn ông sao…
Ngày ấy, đến trường, chúng tôi nhiều đứa cơm chưa đủ no. Cả trường hơn hai trăm đứa quây quần chỉ một chiếc đèn kéo quân không lớn. Thành ra, mỗi chiếc đèn ông sao thực sự là niềm vui thiêng liêng, yêu quý quá chừng! Mỗi chiếc đèn góp vào, làm thành một trời sao ở ngay bên mình gần gụi.
“Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao quá đầu…”
Bao nhiêu năm đã qua, lời hát hồn nhiên, trong trẻo mà rộn rã ấy vẫn còn nguyên trong tôi. Mỗi đêm trăng sáng, mỗi khuya sao đầy và nhất là khi mùa Trung thu đến, những giai điệu tươi tắn càng say ngân nga, làm vui lòng người.
Tuổi thơ của chúng tôi là những năm tháng đất nước còn chia cắt. Lớp 1 tôi học dưới hầm sâu, giữa vườn cây rậm rạp; lớp 2, lớp 3, mới trở về ngôi trường mái tranh, vách đất đã cũ. Sau khai giảng là đến Trung thu, năm nào cũng vậy. Chờ mong phá cỗ chung vui quả bưởi quả cam, bánh nướng bánh dẻo…; càng háo hức bao nhiêu, càng mong ngóng để thỏa thích vui chơi với những chiếc đèn lồng, đèn cù… bấy nhiêu.
Ông tôi ngày ấy ngoài 60 đã hoa râm đầu bạc. Năm nào cũng thế, trước Trung thu khoảng 2 tuần, lại đem “đồ nghề” ra làm những chiếc đèn ông sao cho các cháu. Gọi là “đồ nghề” vậy thôi, chứ thực ra chỉ đơn giản là con dao, cái kéo, mấy khúc cây tươi chặt sẵn ở bụi tre góc vườn…
Đèn ông sao được làm khá đơn giản từ 10 thanh tre, mỗi thanh dài chừng 40-45cm và 5 mẩu tre nhỏ, mỗi mẩu khoảng hơn ngón tay trỏ. 10 đoạn tre chẻ dẹp, không phải để thô mà luôn được ông tôi chuốt nhẵn đẹp. Ở mỗi đầu thanh tre, ông còn cẩn thận dùng lưỡi dao tiện cho thấp xuống một chút. Ấy là để khi ghép lại, buộc với nhau thì vừa vặn, không bị cơi cộm lên. Ông xếp 5 đoạn tre thành hình ngôi sao; 10 đoạn tre, thành 2 hình ngôi sao. Hai hình ấy chồng khít lên nhau. Sau đó, dùng sợi kẽm nhỏ buộc chắc đỉnh của 5 cánh ngôi sao đã xếp cố định. Ở chỗ giao nhau giữa 5 điểm trên thân ngôi sao, ông nhẹ nhàng lồng vào đó 5 đoạn tre nhỏ để chống lên, tạo thành “khung xương” đầy đủ.
Mấy chị em tôi xúm xít, phụ ông cắt giấy, dán hồ và điểm tô cho chiếc đèn ông sao hình hài hoàn chỉnh. Với lũ nhỏ chúng tôi, công đoạn này không khó, nhưng cần chút tỉ mỉ, khéo léo. Tùy thích mà dùng giấy màu hoặc giấy bóng kính, nhưng thường thì chúng tôi “chia phe”- hai đứa giấy màu, hai đứa giấy bóng.
|
Giấy màu, giấy bóng kính được cắt theo hình tam giác của cánh sao và hình ngũ giác ở giữa thân sao, sau đó được phết hồ và dán lên khung tre. Khi đã dán khắp bề mặt, những chỗ tiếp nối mảnh dán còn được phủ lên một đường viền khác màu cho thêm phần “tinh tươm” và bắt mắt.
Đèn ông sao bình thường được làm một màu (đỏ, xanh,vàng, tím…) với đường viền nổi bật, song thích hơn vẫn là kết hợp nhiều màu theo từng cánh sao và thân sao cho thêm phần sặc sỡ, tươi thắm. Nhiều khi, song song với tạo “khung xương” ngôi sao, ông tôi còn tỷ mẩn kết thêm cho nó một vòng tròn bằng sợi nan chuốt nhỏ, đồng thời dán lên đó hàng dây tua rua bằng giấy bóng cắt tỉa bắt mắt. Chiếc đèn ông sao sau khi được dán hoàn chỉnh, thêm chiếc cán nhỏ bằng tre hay bằng gỗ là có thể tung tăng...
Đôi khi kỳ công làm chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng kính với kích cỡ lớn hơn, ở chỗ đường chéo giữa lòng mặt trong của ngôi sao, ông tôi còn cẩn thận buộc thêm một đoạn cây nhỏ để gắn lên đó mẩu nến be bé; buổi tối thắp lên, tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu.
Chỉ có thế thôi mà lũ trẻ chúng tôi cứ mãi trông mong đến mùa Trung thu để chạy nhảy, vui chơi thỏa thích. Ngày ấy, đến trường, chúng tôi nhiều đứa cơm chưa đủ no. Cả trường hơn hai trăm đứa quây quần chỉ một chiếc đèn kéo quân không lớn. Thành ra, mỗi chiếc đèn ông sao thực sự là niềm vui thiêng liêng, yêu quý quá chừng! Mỗi chiếc đèn góp vào, làm thành một trời sao ở ngay bên mình gần gụi.
Tuổi thơ của chúng tôi đã đi qua lúc nào không hay. Khi chị em tôi không còn được ở bên ông thì những tình cảm thân thương ấm áp vẫn theo chúng tôi trên những chặng đường đến với từng mùa Trung thu tiếp nối của cuộc đời.
Không chỉ giản dị và đơn sơ như những chiếc đèn ông sao bằng giấy bằng tre một thời ông cháu tôi miệt mài buộc dán. Theo tháng năm, cả rừng, trời đèn Trung thu với muôn màu con cá, con thỏ, con vịt, tàu bay, ô tô, công chúa, hiệp sĩ… từ vật liệu mới, từ chất liệu bền…
Có những khi, mỏi mắt kiếm trông một chiếc đèn ông sao dân dã giữa cơ man lồng đèn siêu nhân, chiến xa, quái thú… hiện đại. Nhiều hồi, lòng dạ xốn xang bắt gặp không ít những đồ chơi Trung thu đã có từ ngày xưa. Lại có lúc, vui sao cùng bè bạn chung tay tái tạo nên loại đèn “năm cánh tươi màu” cũ xa nhưng ân tình chan chứa.
Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh
Đây ánh sao vui chiếu soi sáng ngời…
Bao nhiêu năm rồi, giai điệu rộn rã, say sưa vẫn còn vang vọng. Mấy hôm nay, phố nhỏ đã thì thùng tiếng trống tập múa lân. Nhà như vui hơn vì tối tối, nhóm bạn cùng lớp của con gái vẫn ríu rít tập họp, miệt mài mỗi đứa một tay, mong cho xong chiếc đèn ông sao cỡ lớn để chung vui trong đêm hội Trăng Rằm tháng Tám của toàn trường…
Thanh Như