Biết bắt đền ai?
Đang trên đường đi làm về thì trời đổ mưa. Mùa này, Kon Tum thường có những cơn mưa đến và đi bất chợt như thế. Ông dừng xe lại bên đường để mở cốp lấy áo mưa ra mặc. Nhìn dòng người vội vã lưu thông trên đường, ông tự nhủ với lòng “Đã có áo mưa rồi, đoạn đường về nhà cũng không quá xa nên không việc gì phải vội”. Nghĩ vậy nên ông cứ túc tắc…
Dòng suy nghĩ vừa thoáng qua, bất chợt ông giật nảy mình. Một bóng đen vọt ngang qua đường. Ông phanh gấp. Không kịp rồi. Chỉ nghe “rầm” một tiếng, ông ngã xuống. Chiếc xe vẫn còn nổ máy, còn ông thì văng ra giữa đường. Con chó - thủ phạm gây cho ông bị ngã xe kêu “ăng ẳng” rồi cong đuôi chạy biến vào con hẻm nhỏ. Chân ông bê bết máu. Ông ráng lê lên vỉa hè, để gọi người thân đến ứng cứu.
Hậu quả của vụ việc là hơn 2 tuần nằm viện, rồi về nhà nằm dưỡng thương đến cả tháng trời, vì ông bị gãy chân, phải bó bột; những vết thương ngoài da khác bị mưng mủ, sưng tấy.
Đến thăm ông, mọi người cứ hỏi: Vì sao ông bị ngã xe? Ông chỉ trả lời ngắn gọn: Tôi hơi bất cẩn. Còn vợ của ông thì thanh minh, giải thích: “Không phải do ông đi đứng bất cẩn xảy ra tai nạn đâu. Mà vì ông đang lái xe thì bất thình lình có con chó không biết từ đâu chạy ngang qua đường làm ông ấy trở tay không kịp dẫn đến tai nạn”.
Rồi bà không quên chép miệng: Bây giờ tình trạng chó nuôi thả rông ngoài phố khá là phổ biến, anh (chị) nhớ cẩn thận đấy nhé.
Hôm tôi vào thăm ông, cũng là lúc nhỏ bạn (con gái của ông bà) đưa cháu vào chơi. Bé nghe bà kể chuyện với khách thì lém lỉnh hỏi: “Bà ngoại ơi, sao không bắt đền người nuôi con chó làm ông ngoại bị ngã xe?
Cả ông, bà đều bật cười. Rồi bà phải giải thích với cháu: “Là chó thả rông con à. Mà là chó thả rông thì biết người nuôi nó là ai đâu mà bắt đền”.
Đứa bé dường như chưa thỏa mãn với câu trả lời của bà ngoại nó nên nói tiếp: “Thế thì mình rượt theo bắt con chó đó chứ ngoại”.
Ông ngoại nằm trên giường nghe cháu hỏi hồn nhiên nhưng xem ra cũng có cái lý, liền trả lời vui với cháu để ngắt câu chuyện, bởi ông biết chẳng thể bắt đền được ai: “À thì, con chó nó sợ quá chạy mất tiêu nên ông ngoại không đuổi theo kịp”.
Nghe ông cháu nói chuyện, tôi ngẫm lại chuyện của đứa em họ cũng bị tai nạn vì chó chạy qua đường cách đây không lâu. Sáng sớm, em tôi đã đi làm. Nhiều nhà trong khu phố cũng đã thức dậy đi thể dục, thả rông chó ra ngoài. Không biết có phải vì sau một đêm nhốt trong nhà bị cuồng chân hay sao mà nhà nọ mới mở cổng, con chó đã phóng thẳng ra ngoài đường. Cùng lúc ấy, xe của đứa em tôi chạy tới. Là con gái, tay lái yếu nên không kịp phản xạ trước tình huống bất ngờ này. Vậy là lao thẳng vào chú chó, người văng một nơi, xe văng một ngả. May cho đứa em tôi là chỉ bị xây xát ngoài da, nhưng cũng mất cả tuần khó khăn trong việc vận động, đi lại.
|
Báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng chó thả rông trên đường gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều bài báo đã dẫn chứng luật này, luật nọ rất rõ ràng và cụ thể về xử phạt hành vi vi phạm này, nhưng tai nạn vì chó thả rông vẫn cứ xảy ra.
Trong khi đó, phong trào nuôi chó, đặc biệt là chó cảnh ở các khu phố ngày càng nhiều. Có nhà không chỉ nuôi một con để làm cảnh mà là nuôi cả bầy. Chưa kể đến việc đưa chó ra môi trường bên ngoài phóng uế bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh, thì vấn đề thả rông chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông đang bị nhiều người lên án. Nhất là khi chủ nhân của những chú chó ấy chẳng bao giờ chịu trách nhiệm hay đứng ra nhận lỗi. Nhiều người cứ nghĩ đã gọi là chó thả rông thì chẳng biết đó là vật nuôi của nhà nào nên chẳng việc gì phải đứng ra nhận lỗi.
Thực tế, những vụ tai nạn do chó thả rông, thì mấy người bị nạn có thể đuổi kịp chó để mà truy con vật nuôi đó là của nhà nào và giả dụ có tìm thấy chủ nhà thì cũng chẳng có chứng cứ để mà bắt đền họ.
Dù bị tai nạn, phải chịu đựng nỗi đau và tốn kém nhiều tiền bạc nhưng mỗi lần nhắc lại vụ tai nạn chó chạy qua đường khiến ba của nhỏ bạn tôi vẫn thấy còn may mắn. Ông bảo: “May là vì hôm ấy tôi chạy xe với tốc độ chậm, chứ nếu chạy xe với tốc độ nhanh thì không biết hậu quả sẽ nặng nề như thế nào nữa”.
Đúng là không biết bắt đền ai trong những trường hợp như thế này, dù lâu nay đã có hẳn những quy định, nghị định về xử lý vi phạm. Nhưng thiết nghĩ, trước khi xử lý được bằng chế tài của pháp luật, mong sao mỗi người dân nâng cao ý thức trong việc quản lý vật nuôi, tránh tình trạng thả rông rất nhiều như hiện nay để không còn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh đó, Ban nhân dân thôn, Tổ dân phố cũng cần tăng cường vận động, nhắc nhở các hộ gia đình nuôi chó thực hiện các quy định trong nuôi nhốt, vì mình và vì cộng đồng.
TÚ QUYÊN