THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
Nền tảng xây dựng không khí dân chủ, cởi mở và đồng thuận trong xã hội
Từ ngày 5-15/11, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại một số địa phương, ban, ngành…
|
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, trong những năm qua, việc triển khai và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp triển khai sâu rộng, được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng và từng bước thực hiện có hiệu quả, trở thành nền tảng xây dựng không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận trong xã hội…
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, do vậy đã nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong tổ chức quán triệt, triển khai chỉ thị, pháp lệnh, các nghị định, vận dụng sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… đã tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền đã có sự đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn; tôn trọng, lắng nghe và chân thành tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.
Mối quan hệ giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được tăng cường; quyền và nghĩa vụ của công dân được thực hiện tốt hơn; vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng phát huy hiệu quả và được khẳng định.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, thể hiện rõ trách nhiệm như: trực tiếp sinh hoạt, trao đổi và cùng với nhân dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, góp phần quan trọng trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng cộng đồng dân cư...
Đơn cử như tại Ban Dân tộc tỉnh, với chức năng tham mưu cho tỉnh thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, tập thể lãnh đạo Ban đã duy trì Hội nghị cán bộ công chức hàng năm để tham gia đóng góp ý sửa đổi, bổ sung các quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chi tiêu nội bộ, các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tài sản công, công khai tài chính, về công tác đào tạo bồi dưỡng, quy chế và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa…
Theo ông Ka Ba Thành- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhờ làm tốt quy chế dân chủ đã tạo được tinh thần vui tươi phấn khởi trong cơ quan và tạo được sự đoàn kết và luôn gần gũi động viên nhau thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Hay như ở huyện Ngọc Hồi, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; chống lại các âm mưu lợi dụng dân chủ, dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số nơi còn có biểu hiện hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn đặt ra. Một số cấp ủy, chính quyền có biểu hiện “khoán trắng” cho Ban chỉ đạo. Việc công khai các nội dung theo quy định để nhân dân được biết ở một số địa phương còn hình thức; việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố ở một số nơi chất lượng không cao…
Để khắc phục những hạn chế trên, theo Đoàn kiểm tra, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về dân chủ và trách nhiệm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức; đổi mới phong cách làm việc, khắc phục những biểu hiện quan liêu, mất dân chủ, thiếu tôn trọng dân; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, của người đứng đầu. Mặt trận, các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động; tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở…
Kim Sơn