Kon Plông: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 133-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn
Chiều 19/12, Huyện ủy Kon Plông tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch số Kế hoạch 133-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn và Kế hoạch số 28-KH/HU, ngày 14/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Đào Duy Khánh- Bí thư Huyện ủy Kon Plông chủ trì Hội nghị.
|
Tham dự Hội nghị có đại diện các sở, ban ngành của tỉnh giúp đỡ các thôn, làng trên địa bàn theo Kế hoạch 133 của Tỉnh ủy và lãnh đạo các phòng ban, các xã trên địa bàn huyện.
Sau gần một năm thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, các đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động và thực hiện các mô hình nhằm giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm. Đã có 16/16 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức đi xã, thôn khảo sát nội dung và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ giúp đỡ thôn; xây dựng và ban hành bản đăng ký mô hình hỗ trợ thôn theo 4 lĩnh vực, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng -an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của 3 xã Đăk Nên, Măng Bút, Hiếu.
Đến nay, với mô hình kinh tế, có 5 cơ quan, ủng hộ hơn 123 triệu đồng cho xã Măng Búk để mua cây, con giống hỗ trợ nhân dân xây dựng vườn rau gia đình; có 8 cơ quan, đơn vị hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân (trị giá gần 90 triệu đồng) ở 2 xã Hiếu và Đăk Nên.
Đối với mô hình văn hóa xã hội, có 4 cơ quan, đơn vị hỗ trợ nhà tình nghĩa cho 6 hộ nghèo, chính sách… (trị giá 460 triệu đồng) và có 6 cơ quan, đơn vị hỗ trợ điện năng lượng mặt trời, lắp đặt đường nội thôn (trị giá gần 58 triệu đồng). Có 10 cơ quan, đơn vị tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng quần, áo; đồ dùng học tập, tiền ăn bán trú cho học sinh và có 3 cơ quan, đơn vị hỗ trợ thiết bị, đồ dùng trang trí, phục vụ nhà Văn hóa thôn; 2 cơ quan, đơn vị tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; có 15 cơ quan, đơn vị hỗ trợ kinh phí cho thôn tổ chức Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân ở các xã. Ngoài ra, Đảng ủy khối các cơ quan và Doanh nghiệp đã khảo sát và trao số tiền 60 triệu đồng cho 2 hộ tại thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên để xóa nhà tạm dột nát ở 3 xã.
Đối với mô hình an ninh trật tự, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các nội dung như: làm thẻ căn cước cho trẻ em từ 0-14 tuổi; xây dựng tủ sách pháp luật tại thôn, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham gia bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp; hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Các mô hình “Dân vận khéo” bước đầu đã từng bước giúp người dân trên địa bàn thay đổi nhận thức, suy nghi, nếp nghĩ cách làm, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân và sự đổi thay bộ mặt vùng nông thôn.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, nêu lên những khó khăn, tồn tại, đề xuất các giải pháp tiếp tục hỗ trợ, xây dựng các mô hình “dân vận khéo” trong năm 2025 đạt hiệu quả hơn.
Hà Nam