Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và làm việc với tỉnh ta
Chiều 5/11, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do đồng chí Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc với tỉnh ta.
|
Tham gia cùng đoàn công tác có đồng chí Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Thường trực và lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô; Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh; Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tóm tắt tình hình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam, trong đó, tập trung phát triển sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là sản phẩm quốc gia; tình hình hoạt động của Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Đến nay, Dự án đã xây dựng mới Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh với các hạng mục nhà làm việc, nhà nghiên cứu thí nghiệm, nhà giới thiệu trưng bày sản phẩm và nhà ăn tập thể và các công trình phụ trợ trên diện tích 2,5 ha được giao. Đã xây dựng kết cấu hạ tầng cho vườn giống gốc sâm Ngọc Linh với quy mô diện tích 20 ha (gồm nhà điều hành sản xuất, 2 vườn ươm cây giống, vườn giống gốc và hạ tầng phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ vườn giống gốc tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và tiếp tục “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh”.
Theo báo cáo UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng Sâm Ngọc Linh là 1.263,3 ha. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu trên địa bàn. Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, nước yến sâm, mật ong sâm SK5…
Tỉnh Kon Tum cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây) đến năm 2030 diện tích có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây); đến năm 2045 trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong vùng Chỉ dẫn địa lý.
Tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh” để triển khai ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất; hỗ trợ địa phương trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sâm Ngọc Linh; Tiêu chuẩn quốc gia về phân tích kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh...
Tại buổi làm việc, các đại biểu, nhà khoa học còn tập trung tham gia ý kiến về các biện pháp giải pháp về quản lý giống, bảo vệ và đẩy mạnh phát triển diện tích cũng như chế biến ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia...
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng trước việc đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ nhân giống thành công sâm Ngọc Linh theo phương pháp in vitro từ đó giải quyết vấn đề về thiếu giống hiện nay. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị nghiên cứu và Bộ Khoa học và Công nghệ cần công bố chính thức kết quả nhân giống bằng phương pháp in vitro để tạo lòng tin với người dân; quy trình trồng chăm sóc và chữa bệnh đối với cây sâm Ngọc Linh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, giúp cho tỉnh máy móc, thiết bị để phát hiện sâm Ngọc Linh giả và đề nghị Bộ quan tâm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kết nối để quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận sự cố gắng của tỉnh Kon Tum trong việc mở rộng diện tích, xây dựng và phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; đồng thời, chia sẻ những khó khăn của tỉnh Kon Tum khi muốn mở rộng đất để phát triển diện tích trồng sâm
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, Bộ đang rà soát các dự án, đề án bị vướng mắc về Luật, Nghị định để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Đối với các kiến nghị của tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận và giao cho các đơn vị của Bộ xem xét, triển khai nghiên cứu hỗ trợ công nghệ cho địa phương phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; nghiên cứu kỹ thuật trồng, kiểm định chất lượng sâm, làm sao để người dân được sớm tiếp cận với nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng; xây dựng tiêu chuẩn, quy định quốc gia về phân tích kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh; tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh xứng đáng với vị trí là cây sâm quý của quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp KHCN của Bộ tại tỉnh để Trung tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ nói chung và đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh nói riêng…
Phúc Nguyên