Nhìn lại 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là Cuộc vận động), trong 5 năm qua (2019-2024), toàn tỉnh có trên 80% người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng, độ tin cậy và chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Trần Lạc- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh (Ban Chỉ đạo) cho biết, giai đoạn 2019-2024, Ban Chỉ đạo và các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động một cách quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng khu dân cư văn hóa, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh Cuộc vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa và xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan văn hoá, truyền thông, báo chí tổ chức tuyên truyền trực quan bằng xe lưu động, treo khẩu hiệu, duy trì các chuyên mục về giá cả thị trường, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch Thông qua đó, làm thay đổi nhận thức và tính tự giác của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công ưu tiên lựa chọn những sản phẩm là hàng sản xuất tại Việt Nam.
|
Qua kết quả triển khai Cuộc vận động cho thấy, Sở Công thương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tổ chức kết nối giao thương giữa nhà sản xuất và các siêu thị, nhà phân phối, nhằm giới thiệu, kết nối việc cung ứng các sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh với thị trường trong tỉnh. Một số sản phẩm địa phương được Siêu thị BigC Miền Trung, Siêu thị Co.op Mart Kon Tum ký hợp đồng tiêu thụ và bày bán trên quầy.
Ban Chỉ đạo định hướng người sản xuất trong tỉnh biết được điều kiện cần và đủ để đưa hàng hoá vào các siêu thị kinh doanh, mặt khác, các siêu thị tạo điều kiện về pháp lý cũng như mặt bằng để kinh doanh sản phẩm, qua đó góp phần quảng bá, tạo đầu ra cho sản phẩm dược liệu cũng như nông sản. Hiện nay, tại 4 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông đều có các hợp tác xã dược liệu chế biến và cung cấp sản phẩm cho các đầu mối bán lẻ trên toàn quốc.
Sở Công thương tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tham gia các hội nghị trực tiếp và trực tuyến về kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành, các siêu thị, nhà phân phối lớn nhằm hỗ trợ đưa hàng hóa ở tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của nhà nước để trục lợi, kinh doanh, mua bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng. Cụ thể, chỉ đạo Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại phối hợp với phòng kinh tế-hạ tầng các huyện và UBND các xã tổ chức 13 đợt đưa hàng Việt về nông thôn nhằm cung cấp cho nhân dân những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và thu hút gần 1.000 người tiêu dùng mua sắm.
|
Qua việc lấy phiếu điều tra, khảo sát thực tế tại các huyện, thành phố trong tỉnh của Ban Chỉ đạo cho thấy có trên 80% người tiêu dùng được hỏi đánh giá cao chất lượng, độ tin cậy và chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Cuộc vận động chưa triển khai đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng; sự phối hợp, gắn kết trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động giữa các cấp, các ngành, MTTQ, đoàn thể và các địa phương với doanh nghiệp, đơn vị kinh tế chưa nhiều. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa thường xuyên, chưa sâu rộng trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nên sức lan toả và hiệu quả Cuộc vận động còn hạn chế.
Hiện nay vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cho rằng chất lượng một số sản phẩm mang tính kỹ thuật, công nghệ cao có xuất xứ trong nước hoặc hàng liên doanh chưa đủ độ tin cậy, chất lượng kém, giá thành những sản phẩm có thương hiệu Việt còn cao so với mức thu nhập của người dân. Một số hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trà trộn lưu thông và tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thương hiệu Việt, giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh. Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, xây dựng được chất lượng hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam, là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Trần Văn Phúc