Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh làm việc với Đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông
Sáng 23/10, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam” (viết tắt là Cuộc vận động) tỉnh có buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông- thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương, do đồng chí Bùi Hoàng Phương- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng đoàn.
|
Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Trần Lạc- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh.
Trong 2 năm qua (2023-2024), Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động. Trong đó, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp với vai trò, chức năng của mình tham mưu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thực hiện những nội dung, phần việc liên quan đến ngành mình quản lý, góp phần thực hiện Cuộc vận động tại địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.
Công tác đấu tranh chống hàng giả, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa bằng việc kiểm tra, thanh tra, xử lý. Mối quan hệ, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tổ chức tuyên truyền, quán triệt thực hiện Cuộc vận động được quan tâm.
Việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động được triển khai đến các tầng lớp nhân dân thông qua Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các tố chức chính trị-xã hội của tỉnh. Qua đó làm chuyển biến nhận thức, tính tự giác của các cấp, các ngành và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Người tiêu dùng quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đang nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ ở thị trường trong tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, sự phối hợp, gắn kết trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động giữa các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương với các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế chưa nhiều, chưa đồng bộ. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo tỉnh chưa thường xuyên, linh hoạt. Còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và không thực hiện chế độ báo cáo theo quy chế của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh. Công tác tuyên truyền, phản ánh về Cuộc vận động chưa thường xuyên, chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên sức lan tỏa và hiệu quả Cuộc vận động còn hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động của tỉnh trong 2 năm qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; nâng cao hơn nữa vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền đến người dân về Cuộc vận động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Động viên người dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm OCOP của địa phương để nâng cao thương hiệu của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; ưu tiên nguồn vốn triển khai Cuộc vận động; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương và ứng dụng mạnh mẽ kênh phân phối thương mại điện tử.
Trần Văn Phúc