Kon Rẫy: Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng
Hiện nay, huyện Kon Rẫy có 18 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đây là những sản phẩm được chế biến chủ yếu từ nông sản ở địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Cùng chung tiếng nói
Tại thị trường huyện Kon Rẫy, hiện nay, hàng hóa rất phong phú, trong đó các mặt hàng thực phẩm trong và ngoài nước rất đa dạng về hình thức mẫu mã và giá cả. Tuy vậy, các mặt hàng nông sản đạt chất lượng OCOP của huyện vẫn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, bởi chất lượng và giá cả của các loại hàng hóa có xuất xứ tại địa phương phù hợp với khẩu vị và túi tiền của người tiêu dùng.
Tâm sự với chúng tôi, chị Y Nàng, thôn 4, xã Tân Lập kể: Dưa lưới tiêu chuẩn OCOP ở địa phương là loại dưa ngon, có vị ngọt thanh và nhiều nước, nên ăn mát. So với các loại giống dưa của bà con DTTS trồng từ trước đến nay, thì dưa lưới có chất lượng tốt và giá cả cũng vừa phải, bà con chúng tôi thường tìm mua để ăn. Ban đầu, nhiều người dân địa phương chưa quen ăn loại dưa này nên họ mua cầm chừng, nhưng đến nay, nhiều người “nghiền”.
|
Theo chân cán bộ UBND xã Tân Lập, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất Dưa lưới HF đạt tiêu chuẩn OCOP của bà Thái Thị Út Hoa tại thôn 1 và được bà cho biết: Quy mô vườn dưa lưới rộng 2.000m2, trung bình sản xuất 3 tháng/vụ, mỗi vụ thu được trên 3 tấn quả. Ngoài việc cung cấp cho thị trường Kon Rẫy, Kon Plông, thành phố Kon Tum, tôi còn cung ứng thị trường tỉnh Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh. Với giá bán dưa khoảng 30 ngàn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ các chi phí đầu tư sản xuất, tôi lãi từ 20-30 triệu đồng/vụ.
Nói về chuối sấy mang thương hiệu Bà Già Đeo đạt chất lượng OCOP, chị Nguyễn Thị N. (giấu tên) ở xã Đăk Ruồng cho biết: Mỗi khi đi làm về, trong nhà chưa kịp nấu cơm, đem chuối sấy Bà Già Đeo ra ăn thấy ngon và ngọt lịm. Do sản phẩm được làm từ các vườn chuối của người dân trong huyện, nên giá cả chấp nhận được, chúng tôi hay mua để ăn giặm trong ngày.
Tiếp chúng tôi tại cơ sở sản xuất Chuối sấy Bà Già Đeo tại thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, bà Ngô Thị Ly- chủ hộ kinh doanh cho biết trung bình mỗi tháng bán ra thị trường trong tỉnh được khoảng 600 hũ chuối sấy lớn nhỏ các loại. Với giá trung bình 46 ngàn đồng/hũ chuối sấy như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, bà lãi từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Nhiều nữ cán bộ, công chức, viên chức ở huyện tâm sự với tôi về việc mua sản phẩm OCOP Giò chả Tây Nguyên. Giò chả này được chế biến từ thịt heo tươi, với các loại gia vị truyền thống, bảo quản được lâu mà không bị mất mùi đặc trưng. Giá Giò chả Tây Nguyên cũng vừa phải, phù hợp với thu nhập hiện nay, chị em nữ cán bộ, công chức, viên chức chọn mua cho gia đình sử dụng.
Nói về Giò chả Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Hòa- Giám đốc Hợp tác xã Nông sản và Thực phẩm Tây Nguyên (trú tại thôn 1, xã Tân Lập) kể: Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất giò chả bán được khoảng 300kg chả tại thị trường huyện và thành phố Kon Tum. Với giá 120 ngàn đồng/1kg, sau khi trừ các chi phí đầu tư sản xuất, thu lợi nhuận từ 6-10 triệu đồng/tháng.
Tiếp tục mở rộng sản phẩm OCOP
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy Đinh Hồng Thắng cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 18 sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm được chế biến chủ yếu từ nông sản ở địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trong đó có các sản phẩm như: Chuối sấy Bà Già Đeo, rượu cần Y Thơi ở xã Đăk Tơ Lung; măng chua ớt cay ở xã Đăk Pne; nước uống đóng chai Epic Water, hạt mắc ca Nhật Long ở xã Đăk Ruồng; dưa lưới Brosfarm ở xã Đăk Tờ Re; măng khô ở xã Đăk Kôi; hạt tiêu Sơn Ka; bún tươi Tân Lập, dưa lưới HF, giò chả Tây Nguyên.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh; qua các kênh bán hàng thương mại điện tử như website, zalo, facebook, tiktok shop. Đồng thời, xây dựng các điểm trưng bày, bán hàng tại thị trấn Đăk Rve, xã Đăk Tơ Lung và một số chủ cơ sở đã liên kết với các chủ cửa hàng để trưng bày và bán sản phẩm tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), thành phố Kon Tum, siêu thị ở Đà Nẵng, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Ông Đinh Hồng Thắng cho biết thêm: Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện sản phẩm OCOP đạt kết quả cao, góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển các sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, tập trung ưu tiên duy trì, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao và phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm nâng hạng lên 4 sao. Đồng thời, tập trung các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại để quảng bá, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trần Văn Phúc