Vĩnh biệt người Bí thư Tỉnh ủy đáng kính!
Chú Sô Lây Tăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum vừa rời cõi tạm ở tuổi ngót chín mươi. Tên tuổi, hình ảnh của chú luôn được đồng bào các dân tộc Kon Tum và Gia Lai kính trọng, quý mến như một biểu tượng cao đẹp của người đảng viên cộng sản.
Cậu bé giao liên mưu trí, dũng cảm
Những năm đầu Kon Tum được thành lập lại, Bí thư Tỉnh uỷ Sô Lây Tăng khá thân gần với anh em cán bộ Đoàn. Tôi nhớ có lần, chú còn “kéo” cả Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khi ấy là chú Ka Ba Tơ đến thăm anh em Tỉnh đoàn với tình cảm như những người anh đi trước.
Thật xúc động khi cặp song ca Sô Lây Tăng - Ka Ba Tơ trong giai điệu “Đảng là cuộc sống của tôi” vang lên trong căn phòng nhỏ như tiếng kèn xung trận, giục giã tuổi trẻ chúng tôi tiến bước… Hát đến câu: “Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao. Đảng làm nên bài ca chiến thắng, cho đất nước và tình yêu” thì chú bật khóc, khóc thành tiếng. Chúng tôi hiểu, từ trái tim mình, tình cảm của chú với cách mạng, với Đảng đã thấm sâu vào máu thịt tự bao giờ và ngọn lửa nhiệt huyết vì quê hương Kon Tum luôn đầy ắp, tròn đầy và ấm nóng.
Có lần chú kể rằng, làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei là quê của chú ngày ấy bị giặc đốt cháy. Dân làng chạy khắp nơi rồi người mất, người còn. Lên 8 tuổi, khi cách mạng về, chú cùng cha mẹ trở về làng. “Khi ấy, cách mạng về làng người dân tưởng là giặc nên chạy trốn. Tôi bị đau nên không chạy được. Bộ đội cho uống thuốc, chữa khỏi bệnh. Được giác ngộ, tôi là người đầu tiên trong làng cắt tóc, vì ngày ấy người Gié - Triêng ai cũng để tóc dài.
|
Thế rồi, chú theo bộ đội, được bộ đội giao nhiệm vụ, trở thành giao liên. Cậu bé A Tăng (tên thưở nhỏ của chú) đóng khố, cởi trần ngày đêm không quản hiểm nguy vượt núi cao, suối sâu mang những thông tin nóng hổi phục vụ cách mạng. Đã nhiều lần bị lộ, chú phải chui vào bụi le giữa rừng, ngụp xuống suối để trốn. Rồi những đêm rét mướt, giữa núi rừng thâm u, bao gian khổ nhưng được bộ đội tin giao, không việc nào chú không làm tròn.
Kon Tum giải phóng năm 1954. Khi ấy chú 17 tuổi được tham gia đoàn quân đi bộ từ làng Nú Vai về Kon Tum dự lễ chiến thắng. Nhớ lại lúc đó, chú vẫn không nhịn được cười. Chẳng là đi bộ đến dốc Đầu Lâu (xã Đăk La, huyện Đăk Hà bây giờ) thì chú không đi được nữa. Ban Tổ chức cho xe đạp đi đón rồi đặt chú lên gác-ba-ga để đèo đi mà vẫn không ngồi được, ngã lên ngã xuống đến mấy lần.
Chú kể: Người ta bảo tôi cởi khố ra, đưa quần cho mặc để đi dự lễ. Lúc đầu thấy khó chịu lắm vì nó cứ lỏng lẻo, nhưng sau dần cũng quen. Xong lễ, trên đường trở về, ông Phạm Nhớ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum hỏi tôi: “Tăng này, mày có muốn đi gặp Bok Hồ không”. Lúc ấy, tôi cũng chẳng hiểu Bok Hồ là ai, nhưng tin vào những người đã dạy bảo, dìu dắt mình nên tôi đồng ý.
Từ một cậu bé đóng khố, đen đúa từ trong rừng sâu, không biết chữ, được đưa ra sống giữa Thủ đô, chú đã học một mạch 16 năm, từ lớp Một đến Đại học Y khoa Hà Nội. Cầm tấm bằng bác sĩ, theo đoàn quân Nam tiến vào Ban Dân y Khu 5. Không làm chuyên môn, đi phát rẫy, tăng gia sản xuất. Chỉ huy bảo: “Thằng này cái gì cũng làm được, giỏi đấy”. Thế rồi lao đi chống sốt rét, dịch hạch, đào hố xí, vệ sinh cùng dân và ngay năm ấy, chú giật luôn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, được bầu vào cấp uỷ, phụ trách thanh niên trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng trên núi rừng Tây Nguyên.
Những năm đầu giải phóng, chú Sô Lây Tăng lần lượt làm Trưởng ty Y tế, Phó Chủ tịch, rồi Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Sống giữa lòng dân
Cuối năm 1991, Kon Tum được thành lập lại. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ X, tháng 12/1991, Chủ tịch UBND tỉnh Sô Lây Tăng trở thành Bí thư Tỉnh ủy với số phiếu tín nhiệm cao. Trọng trách ở cương vị người đứng đầu một tỉnh còn khó khăn khi ấy dồn lên vai khá nặng nề. Chú bảo: “Muốn có chủ trương đúng thì phải sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói, nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống”.
Chú kể rằng, nhớ lời Bác Hồ dặn lúc còn là sinh viên là học xong về phục vụ bà con Tây Nguyên. Vậy nên trong những năm giữ trọng trách đứng đầu tỉnh, cứ có thời gian là chú lại “nhảy” đi cơ sở, tìm về với dân ở các thôn làng xa. Chú bảo: “Dân được gặp lãnh đạo cao nhất tỉnh là mừng lắm. Bà con nói cho mình nghe, chuyện cơm, áo, gạo, tiền, chuyện dân chủ, chính sách, sinh hoạt... Tuy chưa thoả mãn hết nhưng cũng đã gắng hết sức rồi, thế cũng là mừng. Nhưng mình vẫn còn nợ dân nhiều lắm”.
Rồi một lần đi tiếp xúc cử tri ở làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, gặp ông già cởi trần, đóng khố giữa trời giá rét, người Bí thư Tỉnh ủy đã cởi ngay chiếc áo đang mặc đưa cho ông già đó mặc, rồi một lúc sau, chú cởi luôn chiếc quần dài đưa nốt cho ông. Mọi người đi cùng hôm ấy rất xúc động. Ông già người Gié-Triêng cảm kích trước tình cảm ấy đã ôm chầm lấy chú mà khóc.
|
Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy, đi cơ sở vận động bà con cách làm ăn mới, chú thường làm mẫu cho dân, hướng dẫn bà con cụ thể, giải thích tường tận để dân hiểu và làm theo. Cứ như vậy, hình ảnh chú Sô Lây Tăng với người dân ở vùng sâu, vùng xa; chung vui bên những ché rượu cần và cùng ngủ với dân trong những đêm lửa ấm giữa rừng đã trở nên quá đỗi quen thuộc, thân gần.
Là bác sĩ, mỗi lần đi cơ sở, lúc nào chú cũng mang theo túi thuốc cấp cứu, sẵn sàng chữa bệnh cho dân. Chẳng thế mà bà con thường truyền tai nhau chuyện chú đi đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”. Vì thế, tên tuổi, hình ảnh của Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng luôn được người dân kính trọng, quý mến như một biểu tượng của người đảng viên cộng sản trên vùng đất phía Bắc Tây Nguyên.
Khi còn đương chức cũng như lúc không còn là Bí thư, nhà chú ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum lúc nào cũng đông khách, nhất là người dân. Bà con ở xa lên tỉnh ghé vào chơi, ngủ lại, ăn cơm. Tuy nhà rộng, có nhiều giường nhưng khi đông vẫn phải trải chiếu ngủ ở sàn nhà. Người có người nhà là bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tỉnh sát cạnh nhà chú cũng thường ăn, ngủ ở đó để tiện chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Mọi người yêu quý vì chú quảng giao, không phân biệt sang, hèn với tất cả mọi người.
Chú Sô Lây Tăng ơi! Có quá nhiều việc, nhiều chuyện kể sao cho hết về chú, về một cán bộ lãnh đạo nhiệt huyết, nhân hậu. Giờ đây chú đã đi xa nhưng những suy nghĩ và hành động vì quê hương Kon Tum của chú vẫn sống mãi trong bao đồng bào, đồng chí. Chú ra đi nhẹ nhàng, thảnh thơi, tự tại, chắc hẳn chú rất yên lòng bởi đất nước, quê hương đang từng ngày đổi thay.
Nguyễn Văn Chiến