Xuân trên đỉnh non ngàn
Gặt xong vụ lúa, người Xơ Đăng ở Mường Hoong (huyện Đăk Glei) hân hoan đón chào xuân mới. Họ mừng vì kết thúc một năm bình an, dân làng thêm tuổi mới. Nhưng hơn hết, họ hạnh phúc vì phía xa xa, trên đỉnh mây ngàn, những gốc sâm Ngọc Linh cũng thêm tuổi, mở ra hi vọng ấm no, đổi đời.
“Kho báu” ở rừng
Xé tờ lịch cũ ở góc tường, anh A Diêng ở Làng Mới nhẩm tính, chỉ còn vài tuần trăng nữa là bước sang một năm mới. Cũng đồng nghĩa, vườn sâm của anh thêm được một tuổi. Nghĩ đến đó, anh mỉm cười, không giấu được niềm xốn xang trong lòng: “Sâm thêm tuổi sẽ có giá trị hơn. Bởi vậy, người trồng sâm như mình mong xuân mới lắm!”.
Mùa xuân tới mang theo những ánh nắng ấm áp. Dẫu vậy, đường lên vườn sâm chưa bao giờ dễ dàng. Những con dốc cheo leo, những khúc đường quanh co luôn làm hành trình thêm khó chinh phục. Thế nhưng, với những người trồng sâm như anh A Diêng, khó vậy hay khó hơn nữa, cũng muốn tìm lên; bởi trên đó, là cả gia tài.
Trên đỉnh núi, dưới những bóng cổ thụ, vườn sâm mơn mởn chuẩn bị đón chào tuổi mới. Nhìn những cây sâm lớn dần theo năm tháng, ánh mắt anh A Diêng càng thêm phấn khởi. “Đây, những cây này 5 năm tuổi kể từ ngày lấy từ rừng về. Những cây sâm kia được 4 mùa xuân kể từ ngày trồng; còn chỗ này mình mới ươm. Mình đang có khoảng 1.000 gốc sâm và dự định nhân rộng thêm nữa” – anh A Diêng phấn khởi.
Trong căn chòi nhỏ có thể nhìn bao quát toàn cảnh vườn sâm, theo hơi ấm lan tỏa của bếp lửa bập bùng, những câu chuyện về sâm cũng như một thước phim sống động, dễ nhớ. Đặc biệt nhất, ẩn sâu trong ký ức ngày cũ của nhiều người dân trong làng, là khoảng thời gian tìm kiếm “Quốc bảo”. Khổ thì khó kể hết, nhưng biết rằng, để có được vườn sâm như bây giờ, ai cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
|
Già làng A Năng, thôn Làng Mới nhớ lại: Trước đây, mọi thứ thật mơ hồ. Dù ở thủ phủ sâm nhưng người ở làng, không mấy ai biết đến cây sâm Ngọc Linh. Mọi người chỉ biết rằng, trong thời chiến, bộ đội thường sử dụng loại cây này để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.
Già làng A Năng kể rằng, từ 1 người ở làng Đung, lên rừng, đem về một cây có củ (là cây sâm Ngọc Linh nhưng người dân không hề biết đó là sâm). Khi người đi buôn biết đến, tìm mua với giá cao, lúc ấy, mọi người mới biết và nhận ra giá trị của sâm. “Cũng từ đó, được chỉ đường, chúng tôi (30 người ) rủ nhau đi tìm sâm” - nhấp ngụm chè đặc, già làng A Năng kể.
Ngày ấy, cơm nắm, nước uống chuẩn bị sẵn sàng, một đoàn 30 người băng rừng, lội suối trèo lên đỉnh núi kiếm sâm. Gian nan khó kể hết. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, mưa nắng dãi dầu, người dân ròng rã ăn ngủ mấy ngày trời trong rừng mới kiếm được một ít sâm mang về. Mọi người phải rủ đi đông, tìm kiếm gần nhau để có chuyện gì còn hỗ trợ. Có đợt, đi ròng rã cả tuần, nửa tháng mới về.
Sâm mang từ rừng về, nhiều người tìm đến hỏi mua. Nhưng không như dự định ban đầu, sợ cứ tìm từ rừng về và bán, nguồn giống sâm rừng sẽ cạn kiệt, cả nhóm bàn nhau quyết đưa sâm về rừng để trồng, duy trì nguồn giống, do đó, mọi người chỉ bán đi một ít để lấy vốn chăm sóc, còn lại, để trồng. Nghĩ lại ngày đó, anh Diêng cứ tiếc hùi hụi: “Biết thế, ngày trước mình vận động mọi người đừng bán, để nguyên giống mà trồng. Mà cũng may mắn anh em mình để lại trồng rồi nhân ra mới có kết quả như hôm nay”.
Lên núi đón Xuân
Dưới hàng cây cổ thụ và những tầng tán thấp, những tia nắng khó nhọc lắm mới chiếu rọi được xuống những gốc sâm thấp bé. Còn những gốc sâm, vươn mình mạnh mẽ đón nắng, lá xanh thẫm, đầy sức sống.
Đi một vòng rồi mọi người lại họp bàn, phân công thời gian và lịch trực Tết. Nhóm trực ngày mùng Một, nhóm trực ngày mùng Hai rồi mùng Ba... Cứ thế, ai cũng “có phần”.
Anh Diêng nói rằng, trước đây, khi cả nhóm cùng rủ nhau trồng sâm, cứ nghĩ, sâm ở trên núi cao, đường sá đi lại khó khăn nên không ai trộm. Do đó, chẳng ai tính đến chuyện “cộng đồng giữ sâm”. Thế rồi, xảy ra tình trạng mất sâm, từ đó, ngoài việc rào cẩn thận, mọi người họp bàn, đặt ra quy định của nhóm và các thành viên phải đồng đều phân chia nhau túc trực 24h/24h tại vườn. Hết ca này đến ca khác, chẳng kể bão, lũ, nắng hay ngày lễ.
|
Tết, mọi người đi chơi, chúc nhau những điều tốt đẹp, với 30 hộ trồng sâm Ngọc Linh, họ đón xuân trên núi. Họ lên vườn sâm để canh chừng chuột bọ, canh trộm, để bảo vệ tài sản của mình và của nhóm. Khác với ngày thường, trong hành trang lên núi vào ngày Tết, còn có cả rượu, thịt, bánh, kẹo... “Anh em đi trực, tối lại cũng gặp nhau, uống vài ly rượu chúc mừng. Trên vườn sâm dù buồn mà lại vui. Chỉ cần nhìn thấy sâm phát triển, mở ra hy vọng mới về cuộc sống, mọi người lại thấy an lòng” – A Pôn, làng Long Tối nói.
Vườn sâm ngày càng được mở rộng. Từ mỗi người một vài cây, họ chăm sóc, lấy hạt, ươm trồng ra cả vườn vài trăm cây rồi vài ngàn cây. Đặc biệt, với tình trạng sâm giả, sâm thật lẫn lộn, người dân không mua hạt giống trôi nổi ngoài thị trường. Họ tự lấy hạt giống của chính cây sâm trong vườn hoặc mua lại hạt của các thành viên trong nhóm. Hơn thế, họ cũng không bán hạt cho các thương lái, người thu mua, mà chỉ bán cho người trong làng (nếu ai thực sự thiện chí trồng sâm Ngọc Linh). Kể cũng lạ nhưng cũng hay, bởi trong suy nghĩ của họ, đó chính là cách để sâm Ngọc Linh giả không có cơ hội trà trộn vào vườn.
Hơn ai hết, hiểu được quá trình trồng sâm gian nan, vất vả, nên những người mà chúng tôi gặp có nhiều trăn trở xung quanh việc bảo vệ cây sâm. Anh A Diêng nói rằng, nhiều người đến tìm mua lá sâm, hạt sâm, củ sâm với giá cao nhưng trong nhóm bảo nhau không bán. Sợ bán về, họ lại trà trộn lá giả, hạt giả, củ giả vào bán thì mất thương hiệu. “Chúng tôi đang làm tự phát và rất mong muốn có hoạt động kết nối, có chính sách bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, để người tiêu dùng được hưởng sản phẩm xứng đáng với đồng tiền bỏ ra” – anh Diêng đăm chiêu nói.
Nắng nhạt dần kéo chiều vào tối. Ngoài các thành viên phải ở lại trực, cả đoàn lại tìm về với làng. Những ngôi làng nằm lưng chừng núi đã rộn rã thanh âm nhịp sống mới. Trong nhiều câu chuyện, ai nấy đều mong muốn xuân này cũng như nhiều xuân nữa, vườn sâm sẽ càng phát triển; người dân sẽ có bạn đồng hành trong suốt quá trình chăm sóc, tiêu thụ, để ấm no hơn từ “Quốc bảo” của Việt Nam./.
Bài và ảnh: Hoài Tiến