Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Để tiếp tục phát triển vùng trồng cà phê Đăk Hà theo hướng bền vững, nâng tầm thương hiệu cà phê Đăk Hà có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân và doanh nghiệp, hiện nay, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đang tập trung xây dựng thí điểm vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Huyện Đăk Hà được mệnh danh là một trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam. Từ năm 2014, sản phẩm cà phê bột Đăk Hà với thương hiệu “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” chính thức được công nhận đạt chuẩn UTZ Certified, đây là lần đầu tiên UTZ Certified trao chứng nhận cho một sản phẩm cà phê bột của Việt Nam. Ngày 26/12/2019, cà phê “Đăk Hà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê nhân và các dạng sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê phin bảo đảm yêu cầu chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.
Xác định sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Hà tập trung củng cố và nâng cao hoạt động quản lý ngành cà phê, từng bước xây dựng chuỗi các giá trị liên kết sản xuất để giữ vững thương hiệu cà phê Đăk Hà. Ngoài tiêu thụ trong nước, một số sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thụy Sĩ…
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê dưới dạng sản phẩm nhân xô- loại hàng hóa mà các nước nhập khẩu chỉ xem là nguyên liệu thô nên giá trị mang lại chưa cao. Chuỗi cung ứng cà phê còn phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí logistics ngày càng cao khiến lợi nhuận của người dân trực tiếp sản xuất cà phê đạt thấp. Hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, manh mún nên hiệu quả kinh tế thấp. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng xuống cấp và chưa đồng bộ; vấn đề thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, thiếu nhân công, nhất là lao động thu hái, chế biến cà phê khi vào vụ thu hoạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cà phê được chế biến sâu còn nhiều hạn chế; việc triển khai chính sách đối với ngành cà phê vẫn còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ và đồng bộ dẫn đến khó khăn cho cả doanh nghiệp và người nông dân...
|
Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ và yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cà phê vùng nguyên liệu quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu là rất cần thiết. Nhận thức được vấn đề này, ngành Nông nghiệp và chính quyền huyện Đăk Hà đã và đang phối hợp từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Đăk Hà thành thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê trên địa bàn.
Với sự hỗ trợ từ Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp và huyện Đăk Hà quyết tâm xây dựng một vùng nguyên liệu cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích 6.500 ha. Theo đó, tiêu chí lựa chọn địa bàn đầu tư Dự án là vùng nguyên liệu phải có tham gia liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp. Toàn bộ diện tích này nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu cà phê, cần ưu tiên và có tiềm năng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2025, Đề án sẽ thực hiện đầu tư hệ thống đường giao thông, thủy lợi phục vụ vận chuyển nguyên liệu nông lâm nghiệp từ nơi sản xuất đến doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến như nhà kho, nhà màng, sơ chế, chế biến và một số công trình khác.
Cụ thể, vùng trồng cà phê Đăk Hà sẽ được đầu tư nâng cấp 6 cụm tuyến đường giao thông với chiều dài 23 km; xây dựng và nâng cấp 2 công trình thủy lợi, 1 nhà kho tạm tại vùng nguyên liệu diện tích 300m2 cho các hợp tác xã. Các hợp tác xã được lựa chọn đầu tư xây dựng 2 sân phơi với diện tích 2ha, 1 nhà kho tại xưởng sơ chế diện tích 1.000m2. Tổng nguồn vốn thực hiện là 87,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 78,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 5,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hợp tác xã.
Đề án cũng hỗ trợ tổ chức tập huấn, đào tạo năng lực quản trị cho hợp tác xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho thành viên các hợp tác xã, nông dân vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu. Thực hiện thí điểm hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp vay vốn theo chuỗi liên kết tiêu thụ, gắn sơ chế, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu. Xây dựng và áp dụng phần mềm nhật ký điện tử, tiến tới cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến cà phê...
Có thể nói, việc thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Đăk Hà đạt tiêu chuẩn sẽ mở đường cho tiêu thụ, xuất khẩu cà phê bền vững, nâng cao giá trị của hạt cà phê Đăk Hà nói riêng và của tỉnh ta nói chung. Đây cùng là cơ sở để tỉnh ta triển khai nhân rộng các vùng sản xuất cà phê chuyên canh, bền vững quy mô tập trung được sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Qua đó, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển ngành cà phê theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.
Thiên Hương