Xây dựng Tu Mơ Rông thành “thủ phủ” của dược liệu
Cuối tháng 4/2022, trong khuôn khổ Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với quảng bá du lịch năm 2022, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Diễn đàn “ Sâm Ngọc Linh”, các sản phẩm đặc hữu. Tại diễn đàn này, nhiều biện pháp phát triển bền vững sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đã được bàn luận.
Từ năm 1973, dược sĩ Đào Kim Long và Đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 đã phát hiện ra loài sâm Ngọc Linh. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khẳng định sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm và tốt nhất trên thế giới. Càng vinh dự hơn khi sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tận vườn sâm ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) công nhận là “Quốc bảo” của Việt Nam và là sản phẩm quốc gia.
Ngay trong đề dẫn của diễn đàn, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhấn mạnh: Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ rừng, phát triển du lịch là lợi thế lớn của huyện Tu Mơ Rông. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại. Nếu để mất rừng thì không thể phát triển sâm Ngọc Linh, không còn sâm Ngọc Linh thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch.
|
Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước, tham luận tại Diễn đàn, ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, lợi nhuận thu về từ trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu là khá lớn. Đây là tiềm năng, cơ hội để người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Do đó, để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu cần lấy người dân làm gốc, lấy thị trường làm nền tảng. Cùng với đó, phải thực hiện tốt cơ chế, chính sách về dược liệu; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức trong bảo vệ rừng và phát triển dược liệu.
Ông Liêm cũng cho rằng, cần ưu tiên bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu, đặc biệt, cần tạo sự liên kết chặt chẽ của 5 nhà gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, ngân hàng và nhà nông. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến và thị trường; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu và sâm Ngọc Linh, đặc biệt chú trọng mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi. Ngoài ra, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và dược liệu từ thông thường đến cao cấp. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu và sâm Ngọc Linh công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại…
Còn ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thì cho rằng, sâm Ngọc Linh đã có uy tín, giá trị kinh tế cao. Do đó trong thời gian tới, cần xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm mua sản phẩm tốt nhất để sử dụng. Đồng thời, tổ chức liên kết vùng trong phát triển đặc sản vùng miền, tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền cấp huyện và kết nối tham gia hội nghị quảng bá thương hiệu cấp tỉnh, quốc gia.
Bên cạnh đó, cần tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân và người trồng sâm Ngọc Linh; nâng cao năng lực sản xuất, tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm. Từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng địa phương. Đặc biệt, bản thân mỗi người dân trên địa bàn phải có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho thương hiệu sâm Ngọc Linh.
|
Đặc biệt, được mời đến tham dự Diễn đàn, dược sĩ Đào Kim Long-người phát hiện ra sâm Ngọc Linh đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của mảnh đất Tu Mơ Rông, nơi đang có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất Kon Tum và cả nước. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi người dân nơi đây càng no ấm hơn nhờ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.
Tuy nhiên, dược sĩ Đào Kim Long cũng chia sẻ nỗi niềm băn khoăn khi hiện nay, sâm Ngọc Linh trên thị trường có rất nhiều các loại giá khác nhau, thật giả lẫn lộn khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt được. Do đó, ông mong muốn trong những năm tới, nhân dân, cán bộ khoa học và các doanh nghiệp và đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp, giải pháp để bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu để người dân trong nước cùng được dùng sâm Ngọc Linh thật, giá trị thật. Dược sĩ Đào Kim Long cũng mong các doanh nghiệp đoàn kết để đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thế giới để thương hiệu Quốc bảo-sâm Ngọc Linh vươn xa hơn.
Những ý kiến tham gia tại Diễn đàn là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh. Huyện cũng đang tiếp tục tạo điều kiện, kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, liên kết với người dân để trồng, phát triển diện tích sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, phấn đấu xây dựng Tu Mơ Rông trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh và cả nước.
Phúc Nguyên