Xanh mãi đại ngàn
Dù những số liệu thống kê trong báo cáo công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2020 của huyện Kon Plông có làm cho tôi thấy nhói lòng, nhưng sau những ngày rong ruổi cùng dân làng Vi Pờ Ê 2, xã Pờ Ê đi tuần tra, bảo vệ rừng, chứng kiến sự gắn bó giữa người dân với rừng, tôi lại vững một niềm tin rằng, đại ngàn Kon Plông sẽ mãi xanh tươi.
Rừng chưa yên tĩnh
Trong cả giai đoạn 2016 - 2020, Kon Plông luôn được biết đến như là một “điểm nóng” về vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh. Hàng loạt vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép được phát hiện; không ít cán bộ lâm trường, nhân viên bảo vệ rừng bị kỷ luật. “Có thời gian, thông tin trên báo chí liên quan đến địa phương chủ yếu là về tình trạng vi phạm lâm luật. Nhiều khi anh em… sợ, không dám đọc báo nữa”- một cán bộ lâm trường đã chua xót chia sẻ.
Tất nhiên, trước thực trạng ấy, cấp ủy, chính quyền huyện Kon Plông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng mở nhiều đợt ra quân, truy quét ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các điểm nóng; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các chốt liên ngành quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) các cấp...
Qua đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm; nhiều “điểm nóng” ở Đăk Long, Măng Cành, Pờ Ê, xã Hiếu… được kiểm soát, hạn chế. Trong 10 tháng năm 2020, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm 17 vụ, khối lượng gỗ vi phạm giảm 342,084 m3 so với năm 2019...
|
Tuy nhiên, rừng Kon Plông vẫn chưa yên tĩnh. Theo Ban chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản huyện Kon Plông, diện tích rừng thiệt hại từ đầu năm đến nay đã tăng 14,478 ha so với cả năm 2019.
Báo cáo của huyện Kon Plông tại Hội nghị tổng kết công tác QLBVR năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 được tổ chức đầu tháng 11 cũng nhận định, trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương chưa thực hiện được cam kết giảm từ 20 - 25% số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp và mức độ thiệt hại so với năm trước, vì trên thực tế, từ năm 2016 đến năm 2019, số vụ vi phạm năm sau đều tăng hơn năm trước.
Và sâu trong đại ngàn vẫn còn những tiếng cưa lốc xé nát sự trầm tịch của rừng già; vẫn còn những thân cây bị lén lút đốn hạ đang rỉ nhựa. Gần đây nhất, ngày 21/10, tại khoảnh 8, Tiểu khu 487 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, lực lượng chức năng phát hiện 13 lóng gỗ tròn, khối lượng 2,458 m3, chủng loại thông ba lá, bị cưa trộm; thời điểm kiểm tra chưa xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm.
Tiếp đó, ngày 23/10, Hạt Kiểm lâm Kon Plông phối hợp cùng UBND thị trấn Măng Đen tuần tra, kiểm tra phát hiện 1 vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khoảnh 13, Tiểu khu 483A, lâm phần rừng UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Tại hiện trường có 15 lóng gỗ tròn, khối lượng 3,484 m3, chủng loại thông ba lá. Và tại thời điểm kiểm tra cũng chưa xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm.
Điều đó cho thấy công tác QLBVR trên địa bàn còn không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi trong thời gian tới, chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, sát thực tế hơn nữa để khắc phục, tháo gỡ nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QLBVR, kiểm soát, giảm thiểu tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn- Chủ tịch UBND huyện Đặng Thanh Nam nhìn nhận.
Cũng theo Chủ tịch huyện Đặng Thanh Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã được mổ xẻ, phân tích nhiều, nhưng có lẽ cần phải nhìn nhận rõ những hạn chế từ chính lực lượng làm nhiệm vụ QLBVR.
“Ngoài các nguyên nhân khách quan, như địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhân lực thiếu, trang bị hạn chế…, thì cần nhìn vào sự thật là một số nơi, chính quyền xã, chủ rừng chưa triển khai thực hiện tốt công tác QLBVR tại gốc; hoạt động của một số Trạm bảo vệ rừng và một số chốt liên ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công nhân viên chức trực tiếp làm nhiệm vụ QLBVR chưa cao; công tác phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời- ông Đặng Thanh Nam thẳng thắn.
Để rừng mãi xanh
Dù những số liệu thống kê trong báo cáo công tác QLBVR năm 2020 của huyện Kon Plông có làm cho tôi thấy nhói lòng, nhưng tôi luôn vững một niềm tin rằng, đại ngàn Kon Plông sẽ mãi xanh tươi.
Và lý do để tôi luôn giữ vững niềm tin ấy chính là tôi được nghe, được chứng kiến sự gắn bó, tình yêu của người dân Kon Plông dành cho rừng.
Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá trập trùng, dân làng Vi Pờ Ê 2, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 55 ha rừng đầu nguồn từ năm 2016. Kể từ đó, tất cả dân làng tự nguyện thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng. Làng quy định rõ ràng những gì được làm, không được làm trong rừng, nên dân làng biết rõ không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm rẫy; phải cùng tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
|
Hôm ấy, tôi theo chân già làng A Phong và đám thanh niên như A Tun, A Vin, A Wữh, A Đí… đi tuần rừng. Vừa đi, già A Phong vừa rủ rỉ: “Với người H’rê mình, rừng là nhà, là vườn, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, nơi ôm ấp, chở che và nuôi sống người làng. Vì vậy, cha dạy con, con dạy cháu, đời đời người H’rê dạy nhau phải giữ rừng như giữ nhà”.
Thế là, dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của dân làng, khu rừng luôn xanh tươi. Không chỉ vậy, những mảnh rẫy cũ từng gặm nhấm vào bìa rừng cũng dần được phủ kín màu xanh của chồi non. Ở đó, rừng đang tái sinh.
Tôi tin, còn những người như già A Phong, còn những thanh niên như A Tun, A Vin, A Wữh, A Đí… thì rừng Vi Pờ Ê 2 còn xanh mãi.
Và ở trên vùng đất Kon Plông này, những người yêu rừng như máu thịt, trọng rừng như người thân giống già A Phong có nhiều, nhiều lắm. Trong cuộc chiến bảo vệ rừng, chưa bao giờ họ đơn độc, mà luôn có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của cấp ủy, chính quyền.
Theo ông Bùi Quốc Đổng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, lực lượng Kiểm lâm huyện đã và đang triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với quyết tâm cao nhất, trong đó có ưu tiên giải quyết các "điểm nóng" với việc thường xuyên rà soát, xác định các "điểm nóng" trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, truy quét thường xuyên các "điểm nóng" đã được nhận diện; duy trì các Chốt liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát các ngả đường vào rừng...
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không vào phá rừng; tích cực chia sẻ thông tin, phối hợp với các lực lượng tuần tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng, từ đó tạo tác động lan tỏa cao, giúp ngăn chặn hiệu quả việc xâm hại rừng- Hạt trưởng Đổng cho hay.
Bí thư Huyện ủy Đào Duy Khánh cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác QLBVR không thể chỉ ỷ lại vào ngành chức năng và chủ rừng, mà mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải thật sự gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, quyết tâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Với tinh thần ấy, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn, chủ rừng tăng cường phối hợp quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, giá trị của rừng, tác hại của việc mất rừng bằng nhiều hình thức linh hoạt; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao độ che phủ của rừng đạt 83% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Nghị quyết 03-NQ/ĐH ngày 16-6-2020).
Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các cơ sở mộc dân dụng hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, tập trung đến cuối năm 2020, chậm nhất đầu năm 2021 phải đưa các cơ sở mộc vào khu làng nghề để quản lý tập trung - ông Đào Duy Khánh nhấn mạnh.
Hồng Lam