Tu Mơ Rông: Phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu về cây trồng
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế về phát triển diện tích cây trồng trên địa bàn huyện năm 2022, cùng với việc chủ động các nguồn giống, huyện Tu Mơ Rông đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tích cực lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng là lợi thế, thế mạnh để tập trung phát triển diện tích…
Năm 2022, huyện Tu Mơ Rông đề ra mục tiêu về phát triển tổng diện tích gieo trồng một số cây trồng chính 9.000ha, trong đó, diện tích cây lương thực 2.240 ha, mì 1.992ha, rau đậu 50 ha, cây lâu năm 4.789ha (cà phê 1.787,2ha, trồng mới là 41ha; cao su 85,45ha, cây ăn quả 204,8ha), sâm Ngọc Linh 1.568,12ha (trong đó, trồng mới 490,03ha gồm phát triển mới trong dân 8,03ha, doanh nghiệp là 482ha) và cây mắc ca 24ha (trồng mới là 7ha) chủ yếu phát triển ở các khu vực đã được trồng trước phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, đồng thời phát triển thêm các diện tích mới trên đất lâm nghiệp đã đươc giao khoán và trồng xen trên cây cà phê.
Đối với các loại dược liệu khác như sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra, bo bo…năm 2022, toàn huyện phấn đấu trồng mới 400ha (gồm trong dân 200ha và doanh nghiệp là 200ha) đưa diện tích dược liệu toàn huyện lên hơn 1.1190ha (chưa tính diện tích sâm Ngọc Linh).
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ cuối năm trước, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát quỹ đất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, chú trọng phát triển các loại cây phù hợp với lợi thế ở địa phương. Huyện cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã và yêu các các xã có các giải pháp, biện pháp hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đồng thời, ngay từ đầu năm, huyện Tu Mơ Rông đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất trong toàn huyện, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022.
Nhằm giúp các xã chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về lịch thời vụ, cơ cấu giống để chuẩn bị tốt các điều kiện từ khâu làm đất, vật tư nhằm gieo trồng kịp thời khi thời tiết thuận lợi và hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng các cây trồng chính vụ mùa năm 2022. Hiện, nhân dân trong huyện đã và đang làm đất, đồng thời chuẩn bị giống, vật tư và xuống giống, gieo trồng đảm bảo lịch thời vụ.
|
Đến nay, với diện tích lúa nước vụ mùa, nhân dân đã chuẩn bị đất được 453,1ha/1.270,5ha và đang tiếp tục chuẩn bị đất, vật tư để xuống giống theo đúng mùa vụ. Hiện nay, toàn huyện đã xuống giống được 81ha lúa vụ mùa, 90,2ha/512ha lúa rẫy, 72,4ha/209 ha bắp và 997ha/1.992ha mì...
|
Đặc biệt, với lợi thế của huyện về các loại dược liệu nên bà con nhân dân trong huyện đang tập trung đầu tư phát triển mạnh (nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây), bằng nguồn kinh phí tự có, vốn vay ngân hàng chính sách…Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn giống sâm Ngọc Linh để chuẩn bị cho kế hoạch trồng mới năm 2022 đạt và vượt diện tích được giao. Với sâm dây, hiện nay, các HTX trên địa bàn và người dân đã tự gieo ươm mới hơn 30ha. Ngoài ra, bà con nhân dân các xã cũng tự lấy giống sâm dây từ các vườn cũ chuẩn bị cho vụ mới.
Bên cạnh việc chuẩn bị giống của các vườn ươm trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện xây dựng vườn ươm giống và đã tiến hành gieo ươm 200.000 cây sơn tra để cung cấp giống cho bà con. Đối với số cây giống dược liệu còn thiếu, các xã cũng đã chủ động đặt hàng gieo ươm để phục vụ cho vụ trồng năm 2022.
|
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Không chỉ tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về cây trồng hàng năm, huyện còn chú trọng phát triển toàn diện đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các loại cây trồng. Huyện cũng đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương (dược liệu, cây ăn quả...); kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng các loại giống cây trồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp và tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất nông nghiệp nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư phát triển nông nghiệp…
Hà Nam