Trồng rau sạch - hướng khai thác lợi thế trong sản xuất ở Kon Plông
Huyện Kon Plông có độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, đất đai phì nhiêu, rất thuận lợi trong việc sản xuất các loại rau xứ lạnh. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, UBND huyện Kon Plông tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trồng các loại rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho thị trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Những năm qua, huyện Kon Plông chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư trồng rau sạch trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo đúng tiến độ đăng ký; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất rau, củ, quả có hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân để mở rộng diện tích. Qua đó, hình thành những vùng sản xuất rau tập trung trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện tuyên truyền vận động, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp và người dân chú trọng sản xuất đa dạng về chủng loại, đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xem trọng việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm, Viet Gap, hữu cơ; hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để cung ứng sản phẩm cao cấp ra thị trường và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành chức năng quan tâm triển khai xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giúp tăng trưởng sản xuất và tăng trưởng giá trị.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau rừng của anh Nguyễn Bá Tiến (30 tuổi) tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành.
Anh Tiến kể rằng, tôi từ Nghệ An vào đây lập nghiệp từ năm 2020. Nhận thấy vùng này đất đai màu mỡ, tôi vay vốn mua 3 ha đất nông nghiệp để sản xuất; trồng các loại cây ăn quả như bơ, xoài, cam, chanh, bưởi. Để khai thác hiệu quả công suất sử dụng đất, gia đình tôi trồng xen 2,5 ha cây rau rừng (người dân địa phương thường gọi là rau lủi) để tăng thêm thu nhập.
Anh Tiến bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Trong quá trình chăm sóc, anh sử dụng phân bò, phân hữu cơ, phân vi sinh bón cho vườn rau. Anh chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, không có hoá chất độc hại để phun cho cây rau trừ khử dịch bệnh trên lá nên sản phẩm làm ra là rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
|
Rời Măng Cành, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã Rau hoa và du lịch Thanh niên ở thị trấn Măng Đen. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Ngọc Diệp - Giám đốc HTX cho biết: Đơn vị có 2 cơ sở sản xuất rau an toàn theo phương pháp hữu cơ ở thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành.
Cả 2 cơ sở được đầu tư hệ thống tưới nước tự động; sản xuất các loại rau, củ, quả vùng ôn đới như cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, các loại rau cải... Mỗi tháng sản xuất trên 10 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất không sử dụng bất cứ loại phân bón hoá học nào; chỉ sử dụng phân vi sinh, phân chuồng, phân hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, không có hại cho sức khoẻ con người.
Theo chị Diệp, sản phẩm của HTX làm ra không đủ bán, 99% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, một phần tại Đà Nẵng, với giá bán cao hơn 10 lần so với sản phẩm cùng loại (từ 70.000-120.000 đồng/kg, tùy loại).
Hợp tác xã Rau hoa và du lịch Thanh niên ở thị trấn Măng Đen còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. HTX còn quan tâm chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho những công nhân ở xa.
Ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông thông tin: Bên cạnh một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rau sạch nêu trên, huyện Kon Plông đã quy hoạch, hình thành vùng sản xuất rau xứ lạnh tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với tổng diện tích nhà màng, nhà kính 4,3ha của một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Măng Đen Xanh, Công ty Đông Phương, Công ty WinEco Kon Tum... Sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm rau sạch của Kon Plông sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người dân ở Kon Tum, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội...
Quang Định