Trồng nha đam ở Đăk Trăm
Với mục tiêu đưa ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từng bước phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Công ty cổ phần Kotinochi (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai mô hình “Trồng cây nha đam” trên diện tích 3ha với sự tham gia của 5 hộ dân.
Ông A Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm cho biết, hiện nay, địa phương đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, hình thành những cánh đồng lớn và xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Từ chủ trương này, xã Đăk Trăm quyết định sử dụng khu đất có diện tích hơn 10ha tại thôn Đăk Trăm để làm nơi triển khai thực hiện các mô hình điểm về trồng trọt và chăn nuôi; giúp người dân trên địa bàn học hỏi được những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến và nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.
Qua quá trình làm việc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Tô, Công ty cổ phần Kotinochi và sau khi có kết quả khảo sát mẫu đất, khí hậu, nguồn nước đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, xã Đăk Trăm lựa chọn mô hình “Trồng cây nha đam” để triển khai thực hiện. Mô hình ứng dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ cao, giống cây có nguồn gốc từ Thái Lan, quy mô 3ha với sự tham gia của 2 hộ dân ở thôn Tê Pên và 3 hộ dân ở thôn Tê Pheo.
|
Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và được Công ty cổ phần Kotinochi cấp tạm ứng 50% kinh phí mua vật tư, phân bón. Khi đến đợt thu hoạch, Công ty sẽ thu mua sản phẩm cho các hộ dân. Hiện tại, các hộ dân vừa hoàn thành công tác xuống giống và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel.
Chia sẻ về công dụng, lợi ích kinh tế và kỹ thuật trồng, chăm sóc của cây nha đam, ông A Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Tô cho hay, đây là cây dược liệu dễ trồng, không kén đất và chịu khô hạn rất tốt. Cây có thể chữa được nhiều bệnh như mất ngủ, sốt, viêm khớp, viêm gan, rối loạn tuyến tụy và chữa lành các vết bỏng… và được sử dụng để sản xuất các loại mỹ phẩm, làm nước giải khát.
Sau khi trồng 7 tháng, cây cho thu hoạch lứa đầu tiên và sau đó mỗi tháng lại cho thu hoạch 1 lần. Sau 1 năm, cây ra nhiều lá, thuận lợi cho công tác nhân giống bằng phương pháp vô tính. Với diện tích 1ha, tuy chi phí đầu tư ban đầu cao (hơn 200 triệu đồng) nhưng khi thu hoạch cho năng suất trung bình đạt 30 tấn, đem lại doanh thu trên 90 triệu đồng mỗi tháng và đến lần thu hoạch thứ 3 (tức tháng thứ 9 từ khi xuống giống) người trồng đã hoàn đủ vốn đầu tư và bắt đầu có lợi nhuận.
|
Về kỹ thuật trồng cây nha đam, bà con chú ý đây là loài cây không chịu được ngập úng, do đó phải chọn vùng đất cao ráo, thoáng xốp và tốt nhất là đất pha cát để dễ thoát nước. Khi làm đất phải cày bừa kỹ, sau đó lên luống cao khoảng 20cm, đánh rãnh trồng theo mật độ hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 40cm. Trong quá trình chăm sóc nên cắt bỏ những lá mang mầm bệnh đi tiêu hủy để tránh lây lan cho các lá khác.
Là 1 trong 5 hộ dân tham gia mô hình, ông A Vũ (thôn Tê Pên) cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông và các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Công ty cổ phần Kotinochi đến tận vườn hỗ trợ kỹ thuật và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đăk Tô cho vay vốn để mua cây giống. Ông mong muốn mô hình sẽ thành công, giúp nhiều bà con trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo.
Ông A Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trăm chia sẻ, tại khu đất hơn 10ha, ngoài mô hình trồng cây nha đam, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đơn vị doanh nghiệp triển khai 2 mô hình “Trồng bắp sinh khối” và “Nuôi bò vỗ béo” nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đức Thành