Trồng cây ăn trái: Hướng đi triển vọng ở Đăk Hà
Vài năm trở lại đây, do giá cả một số mặt hàng nông sản, nhất là cà phê, cao su xuống thấp nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà chủ động chuyển hướng sang canh tác một số loại cây trồng khác; trong đó, trồng cây ăn trái là hướng đi được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn.
Theo số liệu thống kê, huyện Đăk Hà hiện có hơn 830ha cây ăn trái, tập trung nhiều ở các xã Ngọc Wang, Đăk Hring, Hà Mòn, Đăk Pxi… Các loại cây được trồng chủ yếu là cam, quýt, bơ, sầu riêng, mít Thái, chuối. Người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà trồng cây ăn trái theo phương thức thâm canh hoặc xen canh trong các vườn cà phê. Người dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cho lợi nhuận cao. Việc mở rộng diện tích cây ăn trái góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp của huyện Đăk Hà, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Anh Trần Văn Dũng (thôn 7, xã Ngọc Wang) chia sẻ: Nhận thấy cây có múi phù hợp chân đất ở địa phương và có thị trường tiêu thụ thuận lợi nên từ năm 2015, tôi quyết định đầu tư trồng thử 0,5ha cam, quýt xen canh trong vườn cà phê. Lứa quả đầu tiên được thu, thấy lợi nhuận cao; sau đó, gia đình tôi dành riêng một mảnh đất trồng chuyên canh cam, quýt với khoảng 1.000 cây nữa. Năm ngoái, sản lượng trái cây thu hoạch của gia đình đạt khoảng 35 tấn, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm nay, chắc chắn lợi nhuận thu được sẽ nhiều hơn, vì vườn cây đã trưởng thành nên năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn.
|
Không chỉ trồng rải rác với diện tích nhỏ hẹp theo quy mô hộ gia đình, thời gian gần đây, có những hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà mạnh dạn đầu tư trồng trái ăn cây với quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng cao, với tham vọng không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu.
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring) với 16ha trồng cây ăn trái gồm chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan, cam, quýt, mít Thái, bơ, sầu riêng… được sản xuất theo quy trình kỹ thuật VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản.
|
Chị Bùi Thị Thúy - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm cho biết: Nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn của thị trường ngày càng cao, các xã viên của Hợp tác xã mạnh dạn góp vốn, góp đất để triển khai mô hình trồng trái cây hữu cơ. Mấy năm qua, trên chân đất cằn cỗi từ những vườn cao su hết chu kỳ khai thác, đất trồng mì bạc màu… các anh em trong hợp tác xã tiến hành cải tạo, tìm nguồn giống có chất lượng, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, tạo nên trang trại trái cây đa dạng, phong phú về chủng loại. Chuối cho thu hoạch năm 2019 còn các loại cây khác thì năm nay nay bắt đầu được thu, tất cả đều đạt năng suất, được thị trường đón nhận và có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi chưa tính toán chi li, nhưng chỉ tính riêng diện tích trồng chuối đã cho lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.
Cũng với mục tiêu sản xuất sản phẩm trái cây sạch, an toàn, từ năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (xã Đăk Pxi) triển khai trồng 230ha mít Thái xen lẫn cây sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2020, doanh nghiệp bắt đầu thu hoạch lứa mít đầu tiên để gửi chào hàng đến các công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang Châu Âu. Theo tính toán của doanh nghiệp này, từ năm thứ 5 trở đi, khi vườn cây bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh sẽ cho doanh thu ổn định trên 2 tỷ đồng/ha/năm.
Xác định phát triển cây ăn trái là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Đăk Hà vận động, khuyến khích người dân chủ động đầu tư, mở rộng diện tích các loại cây ăn trái. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây trồng để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
|
Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất để đưa ra thị trường các loại trái cây chất lượng cao; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tập trung thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, xây dựng chuỗi liên kết trong trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trái cây là một trong các sản phẩm được ưu tiên hàng đầu.
Có thể nói, cây ăn trái đang trở thành điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện Đăk Hà; phát triển cây ăn trái là hướng đi phù hợp, góp phần mang lại thu nhập cao cho nông dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thiên Hương