Triển vọng làm giàu từ cây mắc ca
Trên địa bàn tỉnh vài năm trước đây, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm cây mắc ca. Một số vườn cây đến nay đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao, gợi mở một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Cách đây 8 năm, ông Đàm Văn Hùng ở thôn Kon Khôn, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) lặn lội qua tận tỉnh Đăk Lăk mua 200 cây giống mắc ca đem về trồng xen trong vườn cà phê rộng 1 ha của gia đình mình. Khi mới đưa về trồng chưa lâu ông Hùng thuê người vào phát cỏ cho vườn cà phê, họ không biết cây mắc ca là cây gì nên đã phát luôn hơn 100 cây mắc ca. Đến năm 2015, những cây mắc ca còn lại bắt đầu cho quả bói. Những năm sau cây đậu quả ngày càng nhiều hơn, mặc dù là cây trồng xen trong vườn cà phê nhằm thử nghiệm, nhưng mỗi năm những cây mắc ca này cũng đem lại thu nhập cho gia đình ông Hùng hàng chục triệu đồng.
“Giữa tháng 9 này, gia đình tôi thu hoạch trái của 58 cây mắc ca được 1.750kg bán được hơn 80 triệu đồng. Nhìn chung, cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng để đạt được năng suất cao thì phải biết lựa chọn cây giống, sau đó là sự phù hợp của thổ nhưỡng và thời tiết. Nếu trồng 1ha cây mắc ca chăm sóc đúng kỹ thuật, theo giá cả như những năm gần đây, thì từ năm thứ 8 trở đi mỗi năm vườn cây sẽ cho thu nhập bình quân từ 500 - 700 triệu đồng (cây mắc ca cho thu hoạch 2 đợt/năm) - ông Đàm Văn Hùng hào hứng cho biết.
|
Khi giá mủ cao su, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác xuống thấp, năm 2015, ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn 3, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) bắt đầu tìm hướng đi mới trong sản xuất. Và từ việc nghiên cứu, tìm hiểu về cây mắc ca, ông Quyết mạnh dạn đưa 1.000 cây mắc ca về trồng trong vườn rộng gần 3 ha của gia đình. Năm thứ 3 sau khi xuống giống, lượng cây ra quả bói đạt khoảng 40%; năm thứ 4 ra quả khoảng 70% và đến năm thứ 5 thì 100% cây đều cho ra quả. Dự kiến, năng suất năm nay đạt 1,5 tấn quả/ha.
Ông Nguyễn Văn Quyết khẳng định: Về kỹ thuật trồng cây mắc ca tôi tìm hiểu qua các tài liệu và qua kinh nghiệm thực tế cho thấy cây dễ trồng, lại phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn Đăk Tô. Năm 2015, tôi trồng 1.000 cây nhưng chỉ chết một vài cây. Đến nay, gia đình tôi đã trồng 10 ha cây mắc ca, trong đó có 3 ha đang cho thu hoạch, ước khoảng 4,5 tấn, giá thương lái tới nhà mua 90.000 đồng/kg.
Ông Dương Văn Ngọc - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum (Hiệp hội Mắc ca Việt Nam), kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca HD cho biết: Mắc ca là một loại cây trồng cho quả làm thực phẩm sinh học với hàm lượng dinh dưỡng rất cao, cung cấp nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến ở nhiều nước trên thế giới. Từ chỗ khảo sát, nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đến nay, Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum đã trồng được 20 ha cây mắc ca. Ưu điểm của cây mắc ca là có thể trồng xen với cây cà phê và nhiều cây dược liệu khác; ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, dễ sống, dễ chăm sóc.
Ông Dương Văn Ngọc cho biết thêm: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận cây giống đạt tiêu chuẩn cho vườn ươm giống mắc ca của Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum. Trong năm 2019, Công ty đã ghép, trồng và cung cấp 20.000 cây giống. Dự kiến, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này, Công ty sẽ xuống giống khoảng 800.000 cây nữa, theo kế hoạch trong năm 2021 Công ty sẽ xuất vườn trên 200.000 cây. Bà con khi có nhu cầu trồng cây mắc ca, Công ty sẽ cung cấp giống đạt chuẩn và cam kết ra quả sớm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ bà con vay vốn ngân hàng ân hạn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con với giá cả đạt 85% thị trường của nước Úc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 350 ha cây mắc ca. Cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chính điều này mang lại niềm hy vọng cho người nông dân trong việc giảm nghèo và làm giàu bền vững từ cây mắc ca.
Đắc Vinh