Trao “cần câu” đúng người
Trong một chuyến công tác mới đây, tôi và anh N (cán bộ khối Mặt trận và đoàn thể của một huyện) có dịp ghé thăm lại ngôi làng năm xưa anh N đã vận động nguồn lực từ xã hội trao mô hình sinh kế nuôi heo cho các hộ gia đình khó khăn ở địa phương.
Trên đường đi, anh N mường tượng ra một viễn cảnh tươi đẹp của ngôi làng mình sắp đến: Cũng đã hơn 1 năm rưỡi kể từ lần cuối chúng tôi đến làng đây. Có lẽ bây giờ, các gia đình ở đó có thể đã phát triển mô hình thành những đàn heo với số lượng lớn. Nhiều hộ sẽ sớm thoát nghèo.
Suy nghĩ là thế, tuy nhiên, khi trực tiếp thăm mô hình lại trái ngược với những gì mà chúng tôi mong đợi. Trong số 10 hộ gia đình từng được trao mô hình sinh kế chỉ còn lại 2 hộ gia đình vẫn tiếp tục duy trì mô hình, tuy nhiên cũng chỉ còn 2-3 con.
Trước tình trạng trên, anh N hỏi thăm việc chăn nuôi heo của các hộ gia đình được hỗ trợ thực hiện mô hình để làm rõ lý do vì sao lại có chuyện như vậy. Hỏi ra mới biết, từ lúc được trao mô hình sinh kế, khoảng 70% hộ gia đình chỉ duy trì được chưa đến một năm. Nguyên nhân chủ yếu, được các hộ cho rằng: Không biết áp dụng các kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi; việc xây dựng chuồng trại không đảm bảo, khiến nhiều heo nuôi bị đau, bệnh thường xuyên, chậm lớn, ít phát triển. Chưa kể trong năm, mỗi khi gia đình nào có công chuyện (tiệc tùng, cúng kiếng,…) đều mổ heo để đãi khách, khiến số lượng đàn heo ngày càng giảm dần.
Sau khi đã nắm rõ sự tình, anh N thở dài thườn thượt: Trước khi trao mô hình nuôi heo phát triển sinh kế, chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức cho bà con. Thậm chí còn cắt cử cán bộ có chuyên môn trực tiếp đến hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi heo. Cầm tay chỉ việc là thế, tuy nhiên các hộ gia đình vẫn giữ nguyên cách nghĩ, nếp làm cũ, ít chịu khó ứng dụng kiến thức đã được tập huấn vào thực hiện mô hình. Với những người không có ý chí, quyết tâm, thì dù chúng ta có cho họ cả “con cá” lẫn “cần câu” thì vẫn chưa bao giờ là đủ!
Đồng thời, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này chính là việc tập trung quá nhiều nguồn hỗ trợ sinh kế dành cho một địa bàn. Bởi theo tâm lý chung của những người kêu gọi, ai cũng đều muốn đưa các mô hình sinh kế tập trung vào địa bàn khó khăn nhất để nhanh chóng giúp các hộ nghèo có thể thoát nghèo.
Tại ngôi làng tôi và anh N ghé thăm, một năm thậm chí có từ 3 – 4 mô hình sinh kế được trao tặng. Mô hình trước vừa trao tặng còn “nóng tay”, thì đã có mô hình khác tiếp tục được đưa về. Việc này vô tình đã tạo cho bà con suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của xã hội, các cấp và chính quyền địa phương, không nỗ lực thực hiện có hiệu quả giá trị mà mô hình sinh kế mang lại. Trong khi ở một số địa bàn khác, nhiều gia đình mong chờ được trao mô hình để có thể sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
|
Trên đường trở ra khỏi ngôi làng, anh N tâm sự: Có lẽ sau chuyện này, chúng tôi sẽ sắp xếp lại về những tiêu chí ưu tiên trong việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Cụ thể là tập trung kêu gọi các mô hình sinh kế, thay vì các phần quà và tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, các mô hình sinh kế sẽ không còn đặt ưu tiên hàng đầu hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất, mà thay vào đó sẽ là những hộ nghèo có ý chí, chịu khó, ham làm, gắn bó với mô hình. Như vậy mới đảm bảo được mục tiêu của mô hình là tạo động lực thúc đẩy người dân vươn lên.
Tất Thành