Tổ sản xuất rau an toàn của nông dân Đăk Kan
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở thôn 3, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) đã “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, liên kết thành lập tổ hợp tác chuyên sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Với mong muốn phát triển bền vững nghề trồng rau sạch, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, ông Bùi Văn Rân - Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn thôn 3, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) tìm cách liên kết các hộ trồng rau trong thôn để cùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Bùi Văn Rân chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng rau từ năm 1998. Thời gian trước đây, người dân trong thôn trồng rau theo kiểu mạnh ai nấy sản xuất không theo quy định, chủ yếu dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cho rau, chưa bảo đảm các quy định về an toàn. Chính vì vậy, sản phẩm rau làm ra khi đem ra thị trường bán thường bị “người tiêu dùng quay lưng”, do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, rau bán giá thấp nhưng vừa ế ẩm. Để thoát khỏi tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chúng tôi liên kết lại với nhau, sản xuất nhiều theo quy trình an toàn dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi để sản phẩm dễ bán hơn và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng. Sau khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên tổ hợp tác đều rất phấn khởi vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật không những tốt cho sức khỏe người gieo trồng, tốt cho người tiêu dùng mà sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng và mức thu nhập khá hơn so với trước.
|
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực trồng rau trước nhà rộng hơn 2.700m2 sản xuất theo quy trình trồng rau an toàn, ông Rân cho biết thêm: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 3, xã Đăk Kan được thành lập giữa năm 2019, có 16 thành viên là người trong thôn, với diện tích chuyên trồng rau an toàn rộng trên 2 hecta. Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn hữu cơ, không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Người dân tham gia tổ hợp tác được huyện Ngọc Hồi hỗ trợ giống, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau, củ quả theo hướng VietGAP. Tổ hợp tác được thành lập đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân nơi đây, nâng cao sự cạnh tranh và chất lượng sản phẩm rau sạch. Sản xuất rau an toàn cần tuyệt đối tuân theo 3 nguyên tác cần được bảo vệ đó là sức khỏe bản thân, cộng đồng và môi trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khi rau bị sâu bệnh tấn công người dân thường mua thuốc bảo vệ thực vật về phun trực tiếp lên rau, nhưng nay được hướng dẫn, người dân đã tự bào chế thuốc từ các loại củ gừng, tỏi, ớt, giã chung sau đó lấy nước phun xịt để xua đuổi sâu và các loại côn trùng gây hại khác. Nhờ vậy, từ khi tổ hợp tác được thành lập, sản phẩm rau sạch của bà con trong thôn 3 xã Đăk Kan được thị trường ưa chuộng, tin dùng, tình trạng tư thương ép giá vì rau không rõ nguồn gốc đã không còn. Mỗi sào rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu hoạch bình quân từ 15 - 18 tấn, thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/sào/năm.
Gia đình ông Nguyễn Trung cũng là thành viên của Tổ hợp tác rau an toàn thôn 3, xã Đăk Kan. Ông Nguyễn Trung bộc bạch: Từ khi tham gia tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi đã thay đổi cách trồng, chăm sóc rau so với trước đây. Tôi vừa là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng nên hiểu được tâm lý mọi người ai cũng mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch, nhất là sự cần thiết phải sản xuất rau sạch để cung cấp cho nhu cầu thị trường. Địa thế ở đây bằng phẳng, tiện nước tưới nên việc đầu tư trồng rau sạch không mất quá nhiều chi phí. So với trồng các loại cây nông nghiệp khác thì trồng rau sạch cho thu nhập cao hơn công việc hàng ngày cũng đỡ vất vả hơn. Thời gian tới nhất định gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích.
Ông Trần Sỹ Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Kan đánh giá, mô hình liên kết trồng rau an toàn là hướng đi phù hợp, giúp những hộ dân có diện tích vườn, rẫy trồng cây lâu năm cho kinh tế thấp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Việc nhiều nông dân liên kết thành lập tổ hợp tác trồng rau an toàn trên địa bàn xã đã góp phần thay đổi tư duy canh tác, được thị trường đón nhận, thu nhập của người dân cũng ổn định hơn. Thông qua đó, giúp người dân ở địa phương hiểu được rằng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất và quyết định thành công của người sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cung cấp ra thị trường.
Đắc Vinh