Tín hiệu vui từ tái canh cà phê ở Đăk Hà
Những năm qua, huyện Đăk Hà đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê theo hướng bền vững nhằm từng bước thay thế diện tích cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng giống cà phê có năng suất, chất lượng cao. Sau 5 năm thực hiện chương trình, việc tái canh cây cà phê bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế và khẳng định đây là hướng đi đúng để nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.
Năm 2015, huyện Đăk Hà bắt đầu thực hiện lộ trình tái canh cây cà phê theo “Đề án phát triển cây cà phê tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Tuy nhiên, 2 năm đầu, vì nhiều lý do như lo lắng về thu nhập, khó khăn về vốn đầu tư, chưa hiểu hết được lợi ích của việc tái canh…người dân và các doanh nghiệp vẫn còn dè dặt trong việc triển khai thực hiện.
Theo đó, trong 2 năm 2015- 2016, toàn huyện Đăk Hà chỉ tái canh được hơn 60ha cà phê. Sau khi một số mô hình điểm được triển khai đem hiệu quả kinh tế, từ năm 2017, phong trào tái canh cây cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà mới thực sự mạnh mẽ và đang từng bước cho thấy hiệu quả.
Anh Phạm Xuân Bé - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thế hệ mới Đăk Mar cho biết: Thời gian qua, Hợp tác xã có hơn 30ha cà phê tái canh, đến nay, đã có một số vườn cho thu hoạch. Dù mới bắt đầu cho quả, nhưng các vườn cà phê tái canh cho thấy năng suất vượt trội so với các vườn cà phê cũ. Vụ vừa rồi, năng suất bình quân của các vườn cây thu bói vào khoảng 13- 14 tấn quả tươi/ha, năm nay, chắc chắn sẽ đạt từ 16 – 17 tấn quả tươi/ha.
Năm 2016, ông Phạm Như Trại (thôn Đăk Lộc, xã Đăk Ngọk) là một trong những hộ dân của địa phương tiên phong phá bỏ 2.500 cây cà phê già cỗi giống cũ, năng suất thấp để trồng lại vườn cà phê giống mới. Năm ngoái, vườn cà phê mới bắt đầu cho thu quả bói và năm nay chính thức bước vào thời kỳ kinh doanh.
|
Ông Trại cho biết: Ban đầu tôi có chút đắn đo, vì trong 2 năm thực hiện tái canh sẽ không có nguồn thu, trong khi từ trước đến nay thu nhập của gia đình đều trông cả vào vườn cà phê. Thế nhưng, sau khi cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định phá bỏ vườn cà phê 25 năm tuổi, cải tạo đất rồi trồng lại vườn cà phê mới. Tôi nghĩ, nếu chịu khó khắc phục một chút khó khăn thời gian đầu rồi sau đó mình sẽ có nguồn thu ổn định, lợi nhuận cao chứ cứ giữ vườn cây cũ, năng suất thấp, lợi nhuận mỗi vụ cũng chẳng được là bao. Và đến nay, gia đình tôi bắt đầu được hưởng thành quả vườn cà phê tái canh mang lại từ bước đi đúng đắn này.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tính đến nay, tổng diện tích tái canh cây cà phê trên địa bàn hơn 772 ha, trong đó nhân dân tái canh được hơn 352ha, các doanh nghiệp nhà nước tái canh được 420 ha; cơ bản hoàn thành đạt mục tiêu đề ra. Diện tích cà phê tái canh đã cho thu hoạch niên vụ trước là 69ha, với năng suất đạt từ 2,2 – 3 tấn cà phê nhân/ha. Vụ cà phê năm nay, toàn huyện sẽ có thêm hơn 100ha cà phê nữa sẽ cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của huyện; ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ người dân về mặt khoa học kỹ thuật cùng với tiếp sức về vốn của một số chương trình, dự án nên người dân ngày càng mạnh dạn thực hiện tái canh cà phê nhằm trẻ hóa vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn bộ diện tích cà phê tái canh đều sử dụng các giống cà mới cao sản như TRS1, TR4, TR9, có khả năng kháng được nhiều bệnh nên cho năng suất cao, chất lượng ổn định. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp tưới bằng hệ thống phun mưa, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các dạng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân vi sinh để bón cho cây trồng, đảm bảo yêu cầu tái canh theo hướng bền vững.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, huyện Đăk Hà tiếp tục thực hiện tái canh 1.029,39 ha cà phê già cỗi, trong đó, diện tích tái canh của người dân là 585ha, diện tích tái canh của các doanh nghiệp nhà nước là 444,39ha.
Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định, để ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị hạt cà phê của Đăk Hà thì tái canh là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng với các phòng ban liên quan tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn, quyết tâm phá bỏ những vườn cà phê già cỗi để trồng mới. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật để đưa sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm cà phê hữu cơ, chất lượng cao.
Hiệu quả thực tế từ chương trình tái canh cà phê đã có sức thuyết phục rất lớn đối với người trồng cà phê ở Đăk Hà. Đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Đăk Hà tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả lộ trình tái canh cà phê trên địa bàn trong giai đoạn 2021- 2025.
Thùy Hương