Tìm tương lai sáng cho mía đường - Kỳ IV: Thách thức và cơ hội
Dù gặp nhiều gian khó, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, nỗ lực của doanh nghiệp, và sự đồng hành của bà con nông dân, cây mía và ngành công nghiệp mía đường vẫn tồn tại một cách gan góc, bản lĩnh, để hôm nay đứng trước cơ hội “vàng” tiếp tục hành trình đến một tương lai sáng.
Dĩ nhiên là, hành trình đến tương lai sáng của mía đường Kon Tum không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là hết sức khó khăn.
Theo một cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã chuyển công tác, niên vụ 2020-2021, ngành mía đường vẫn phải tiếp tục đương đầu với khó khăn thách thức từ nhiều phía. Xu hướng phục hồi của giá đường đang bị đánh giá là thiếu bền vững; lượng tiêu thụ đường suy giảm và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); sản lượng và diện tích trồng mía giảm mạnh.
Chưa kể khí hậu, thời tiết phức tạp, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động trực tiếp và gián tiếp tới năng suất, sản lượng, chất lượng mía nguyên liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ đường và giá đường.
Tuy vậy, ông Lê Đức Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đường Kon Tum nhìn nhận một cách lạc quan rằng, dù doanh nghiệp đường đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có những cơ hội phía trước.
Trong hành trình vươn lên đầy gian khó, doanh nghiệp có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của tỉnh và các ngành, địa phương, từ chủ trương, chính sách đến các giải pháp cụ thể. Đây chính là nền tảng, và động lực lớn lao để chúng tôi tự tin trên chặng đường mới - Phó Tổng giám đốc Duy nhấn mạnh.
Theo ông Duy, trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để ngành mía đường phát triển. Đáng chú ý là tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam. Tại tỉnh Kon Tum, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3248/UBND-NNTN chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường.
|
Một ngành kinh tế mía đường phát triển bền vững không chỉ xuất phát từ nhu cầu sống của bản thân những người nông dân từng gắn bó lâu dài với cây mía, mà còn là cơ hội khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nhìn nhận về thực trạng mía đường hiện nay, ông Nguyễn Tiến Cường, Trưởng phòng Nguyên liệu (Công ty Cổ phần Đường Kon Tum) cho rằng, rào cản lớn nhất mà mía đường Kon Tum gặp phải chính là diện tích mía manh mún, nhỏ lẻ, lại chịu sự cạnh tranh của các loại cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phức tạp, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu không đáp ứng yêu cầu, trình độ canh tác của bà con còn hạn chế cũng có tác động không nhỏ.
Để tháo gỡ những rào cản ấy, yếu tố hàng đầu là áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây mía. Muốn làm được điều này, trước hết cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mía lớn; đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu. Muốn vậy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự phối hợp của người dân - ông Nguyễn Tiến Cường cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Mân - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cũng đồng tình với ý kiến trên, khi nói rằng, cần phải có cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị cho cây mía.
Ở thành phố Kon Tum, diện tích mía hiện có chỉ hơn 720ha nhưng lại trải đều ở nhiều xã, phường; mỗi nhà vài mảnh đất nằm riêng rẽ, nên khả năng đầu tư chăm sóc và áp dụng cơ giới hóa là rất thấp. Vì vậy, cần rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía; tăng cường thực hiện công tác dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tránh tình trạng sản xuất manh mún. Để thực hiện được điều này, phải có sự phối hợp chặt chẽ từ 3 phía: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
|
Về phía tỉnh, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng mía nguyên liệu, cần tập trung rà soát, đánh giá các diện tích đất đang sản xuất một số loại cây trồng kém hiệu quả, đất trống, phù hợp với cây mía để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất ổn định cho doanh nghiệp mía đường.
Tỉnh cũng như các địa phương sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp trong việc khảo sát đất đai, lập dự án đầu tư và thực hiện các chính sách hiện hành liên quan để đầu tư quy hoạch đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, duy trì nguồn nguyên liệu ổn định - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng giám đốc Lê Đức Duy, với định hướng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, Công ty Cổ phần Đường đã xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía hết sức cụ thể và bài bản.
Trong đó, tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gắn bó lâu dài với cây mía, như ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm; hỗ trợ làm đất, công khai hoang (20 triệu đồng/ha), vận chuyển mía, phân bón; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất và chữ đường; tổ chức thu mua, đốn chặt và đánh giá chữ đường một cách công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người trồng mía.
Hiện nay chúng tôi đang thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, triển khai các mô hình thâm canh, sử dụng các giống mía có năng suất và chất lượng cao... Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống chế biến sản phẩm, cũng như tận dụng phụ phẩm từ cây mía, để sản xuất ra các sản phẩm khác nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế- ông Trịnh Quốc Đạt, Phó phòng Nguyên liệu cho biết.
Trở lại với câu chuyện của ông Nguyễn Văn Minh. Những năm qua, ông luôn cố giữ lấy cái nghề trồng mía, giữ lấy hơn 1ha đất bãi. Và bây giờ, ông muốn để cho Tuấn - người con trai út đang sống với ông bà.
Mấy anh chị nó không muốn theo nghề nông, đứa giáo viên, đứa buôn bán. Chỉ còn thằng út, từ nhỏ đã thích ruộng rẫy hơn thích học - ông nói.
Thật ra, Tuấn không thích trồng mía nữa. Vì trồng mía quá vất vả, giá cả lại bấp bênh, không ổn định. "Cả ngày người dính đầy đất, mùa thu hoạch thì lá mía cứa rách da rách thịt" - anh lầm rầm. Theo ý anh, cứ chuyển sang trồng rau là nhẹ nhàng nhất. Nhưng rồi anh hiểu mình là người phù hợp nhất trong số mấy anh chị em để tiếp tục mối duyên nợ với cây mía của cha mình.
Con trồng mía là vì không muốn ba buồn đó - Tuấn thủ thỉ với ông.
Nhưng bây giờ anh không còn nghĩ đến chuyện trồng rau nữa. Ba anh truyền cho con trai niềm tin, cây mía sẽ sống được, sống khỏe. Ông già phấn khởi khi gần đây, tỉnh rất quan tâm đến phát triển mía đường, còn tính sẽ đầu tư trồng mía theo hướng ứng dụng công nghệ cao nữa.
Tôi tính áp dụng canh tác theo hướng thâm canh, có kỹ thuật tiên tiến, từ làm đất, xuống giống, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh; xây một bể xi măng đủ lớn để bơm nước từ sông lên, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động… Nói chung là có nhiều việc phải tính- một tay chống cuốc, một tay Tuấn vẽ đường vòng cung bao hết khoảnh bãi và nói, mắt lấp lánh niềm tin.
Tất nhiên, cũng như mục tiêu phát triển cánh đồng mía lớn, ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, ý tưởng của Tuấn vẫn còn gặp không ít khó khăn, trắc trở. Nhưng ít nhất, với những người như Tuấn, hành trình mía đường trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên cũng đang tiếp tục.
Một tương lai sáng cho mía đường đang ở phía trước, khi mà Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng chung ý tưởng và hành động.
Hồng Lam