Tìm tương lai sáng cho mía đường - Kỳ III: Long đong “phận” đường
Công ty Mía đường Kon Tum (nay là Công ty Cổ phần Đường Kon Tum- mã KTS) từng là một biểu tượng cho ngành công nghiệp địa phương. Tuy nhiên, hành trình của nó lại trải qua nhiều chìm nổi, long đong.
Ngày 10/7/1995, chỉ 4 năm sau khi tỉnh Kon Tum được tái lập, Nhà máy Đường Kon Tum (tiền thân của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum ngày nay) được thành lập theo Chương trình mía đường quốc gia, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh, hoạt động theo Giấy đăng ký kinh doanh số 109032, do Ủy ban Kế hoạch nhà nước tỉnh Kon Tum cấp.
Khi mà cả tỉnh chưa có lấy một nhà máy, công xưởng nào đúng nghĩa “công nghiệp”, thì một nhà máy đường, với dây chuyền sản xuất "hoành tráng", đi vào hoạt động đã trở thành niềm tự hào lớn lao.
Một lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh thời ấy (nay đã nghỉ hưu) nhớ lại: Lễ khánh thành nhà máy là một sự kiện lớn của địa phương, không chỉ thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, mà còn có đông đảo bà con nông dân, kể cả người trồng mía và người chưa trồng mía. Một tương lai sáng cho cây mía được vẽ nên, ít nhất là không còn cảnh trồng mía chỉ để... lấy mật.
Nhưng sau đó là chuỗi ngày đầy gian khó của “biểu tượng công nghiệp địa phương” này. Chỉ sau 5 năm, Công ty Mía đường Kon Tum đã rơi vào cảnh nợ nần, mất vốn Nhà nước và người lao động mất việc làm.
|
Trong một lần trò chuyện, ông Lê Quang Trưởng - người giữ cương vị lãnh đạo doanh nghiệp từ năm 2001 đến năm 2014 - kể: Tôi được điều động về Nhà máy Đường Kon Tum trong bối cảnh nợ nần chồng chất vì thua lỗ; người lao động bất an, nhiều người rời bỏ nhà máy, ra ngoài tìm việc khác vì thu nhập đã thấp, lại bấp bênh, không ổn định.
Vào năm 2000, nhà máy đang âm vốn chủ sở hữu 70 tỷ đồng và nợ tỉnh 20 tỷ (vốn ứng xây dựng nhà máy). Đây thực sự là số tiền “khủng” thời bấy giờ. Ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo nhà máy lúc này là ổn định nhân tâm, giữ công nhân, giải quyết việc làm, rồi mới tính tới các bước đi tiếp theo.
Đó là một hành trình dài, vui có, buồn có - một cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Kon Tum tiết lộ - Doanh nghiệp từng đứng bên bờ vực phá sản. Mọi nỗ lực của ban lãnh đạo lúc này cũng chỉ để cứu nhà máy. Bởi nếu nhà máy “chết” thì lợi ích của hàng ngàn người lao động cũng buông bỏ, số nợ đang có sẽ “ăn” vào ngân sách nhà nước.
Cũng cần nhắc lại rằng, anh là người gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu thành lập (1995), nên nhớ nằm lòng những thăng trầm của mía đường Kon Tum.
|
Sự lận đận của nhà máy còn thể hiện cả trên vấn đề cơ quan chủ quản. 5 năm sau ngày thành lập, từ một doanh nghiệp nhà nước, Nhà máy Đường Kon Tum chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty Đường Quảng Ngãi. Cuối năm 2006, khi Công ty này tiến hành cổ phần hóa, nhà máy chuyển thành Công ty Đường Kon Tum, là doanh nghiệp nhà nước độc lập, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 1/7/2008, Công ty Cổ phần Mía đường Kon Tum được thành lập, sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận phương án tái cơ cấu tài chính và chuyển đổi loại hình. Trước đó, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC- Bộ Tài chính) đã tiến hành cơ cấu lại tài chính.
Và mía đường Kon Tum bắt đầu vượt qua thời kỳ “trầm” để “thăng”!
Dù dư luận cho rằng, cổ phần hóa cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh khả quan ngay sau đó cho thấy đây là bước đi đúng - ông Lê Quang Trưởng từng phát biểu như vậy, một năm sau đó.
Sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo doanh nghiệp rốt ráo thực hiện phương án tái cơ cấu tổng thể từ vùng nguyên liệu đến quản lý: từ sắp xếp nhân sự, đến các giải pháp nhập nguyên liệu, giá cả, cải tiến dây chuyền sản xuất. Về tài chính, thực hiện điều chỉnh kế hoạch trả nợ phù hợp; xác định quy mô vốn cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động, từ đó huy động thêm vốn, khơi thông quan hệ tín dụng...
Đại hội cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Đường Kon Tum lần thứ nhất được tổ chức ngày 8/6/2009, sau một năm cổ phần hóa. Và báo cáo tài chính làm cổ đông phấn khởi: Công ty có lãi và nộp thuế cho Nhà nước; trả hết nợ vào tháng 5/2009; chia cổ tức gần 10%; đời sống cán bộ, công nhân được cải thiện rõ rệt; lợi nhuận sau thuế tăng tới 196,98%; tổng tài sản tăng 2,58%; lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 174,47% so với năm 2008.
|
Năm 2010, kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan, với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33 tỷ đồng. Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông vào vùng nguyên liệu, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, hỗ trợ vật tư, phân bón và mía giống chất lượng cao cho nông dân.
Đặc biệt, ngày 31/12/2010, 3 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum với mã KTS chính thức lên sàn giao dịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá 35.000đ/CP.
Năm 2017, Công ty quyết định đầu tư hơn 200 tỷ đồng để mở rộng, nâng công suất nhà máy đường từ 1.800 tấn mía/ngày lên 2.500 tấn mía/ngày. Khi thực hiện dự án này, Công ty được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các quy định của pháp luật có liên quan và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, cũng trong năm này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn. Kết thúc niên độ 2017-2018, lợi nhuận giảm tới 78% so với niên độ 2016-2017, chỉ còn 9 tỷ đồng.
Niên vụ 2018 - 2019, mía đường Kon Tum tiếp tục chật vật tìm cách vượt qua khó khăn, do sức ép từ đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan; diện tích mía nguyên liệu giảm mạnh, vì giá thu mua thấp, dẫn đến nhiều hộ nông dân chuyển sang cây trồng khác. Tổng doanh thu của Công ty đạt 333 tỷ đồng, giảm 34,35% so với niên vụ 2017 -2018; doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 34,36% và 49,63% so với năm 2017 - 2018.
Niên vụ 2019-2020, tình hình cũng không khả quan. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Công ty, tổng doanh thu chỉ đạt 31,5% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 31,8% kế hoạch; doanh thu thuần giảm 54,03% so với niên vụ trước; thu nhập của người lao động giảm; diện tích vùng nguyên liệu tiếp tục thu hẹp.
Kết quả kinh doanh trên, cộng với tình hình dịch bệnh Covid- 19, sức ép từ đường nhập khẩu theo Hiệp định ATIGA…, là nguyên nhân chính để Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cẩn trọng trong việc hoạch định bước tiến mới cho niên vụ 2020-2021. Theo đó, mục tiêu đề ra là đạt 260 tỷ đồng tổng doanh thu và 2,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù kế hoạch đề ra khá “khiêm tốn”, nhưng với thực trạng mía đường hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục có những nỗ lực vượt bậc. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm thì cần xác định mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu.
(còn tiếp)
Hồng Lam