Tiềm năng từ mô hình liên kết trồng dưa hấu
Để giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời tiếp cận với các kỹ thuật trồng chăm sóc dưa hấu, mấy tháng qua, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) đã triển khai thí điểm mô hình liên kết trồng dưa hấu trên diện tích đất nhàn rỗi sau khi thu hoạch mì của người dân trên địa bàn. Hiệu quả bước đầu từ mô hình mở thêm một hướng tăng thu nhập khả quan cho người dân.
Ông Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Toàn xã có khoảng 500ha trồng mì, thời điểm sau thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau là khoảng thời gian đất nhàn rỗi. Để giúp bà con có thêm thu nhập, tận dụng khoảng thời gian đất trống, xã đã vận động bà con liên kết với một số hộ dân có kinh nghiệm ở tỉnh Gia Lai trồng thí điểm dưa hấu trên địa bàn.
Tham gia liên kết, người dân có thể chọn 1 trong 2 phương án: Hoặc cho các hộ dân ở Gia Lai thuê đất trồng trong thời gian 4 tháng với giá 5 triệu đồng/ha; hoặc bà con liên kết trồng chia đôi lợi nhuận, theo hình thức bà con bỏ đất, bỏ công, các hộ ở Gia Lai bỏ vốn mua giống, mua phân, ống tưới, nilong…
Là một trong những hộ dân ở Gia Lai tham gia liên kết, anh Nguyễn Đình Sơn - người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc trồng, mua bán dưa hấu cho biết: Sau khi khảo sát, tôi nhận thấy thổ nhưỡng, nguồn nước… ở đây rất phù hợp để trồng dưa hấu. So với những vùng khác, trung bình 1 hec ta thu được 30 - 40 tấn, còn ở Rờ Kơi, năng suất dưa hấu rất đạt, trung bình 40 - 50 tấn/ha.
|
Ông Trần Lệnh Tuyến cho hay, sau một thời gian vận động, đã có 16 hộ cho thuê và 2 hộ liên kết với các hộ dân ở Gia Lai trồng dưa hấu trên tổng diện tích 20ha. Do là cây trồng mới, bà con chưa nắm được quy trình kỹ thuật nên chưa mạnh dạn tham gia, vì vậy, trong năm đầu này, xã triển khai thí điểm ở tất cả các thôn, làng để người dân thấy được hiệu quả; đồng thời thành lập các nhóm nòng cốt trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc, dưới sự hướng dẫn của các hộ dân ở Gia Lai vốn có nhiều kinh nghiệm trong trồng dưa hấu. Các nhóm hộ này sang năm sẽ là người trực tiếp hướng dẫn cho các hộ dân khác khi mô hình phát triển rộng.
Qua việc liên kết trồng thí điểm dưa hấu, xã đã có hơn 100 lao động tại chỗ có thêm việc làm, học hỏi được các kỹ thuật chăm sóc dưa hấu. Chị Y En ở làng Khuk Loong (xã Rờ Kơi) là một trong những người tham gia học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa hấu cho biết: Việc trồng dưa hấu không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận nên rất phù hợp với chị em phụ nữ. Tham gia liên kết trồng dưa, tôi cùng nhiều chị em ở đây có thêm việc làm, có thêm thu nhập. Tôi làm ở đây một ngày được 150.000 đồng, không phải lo chuyện ăn uống mà còn học hỏi được kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa.
Mạnh dạn tham gia liên kết trồng dưa, ông A Lung ở thôn Đăk Đê (xã Rờ Kơi) cho biết: Tôi đã dùng 0,9ha đất nhàn rỗi của gia đình liên kết trồng dưa. Gia đình tôi bỏ công chăm sóc, hộ liên kết bỏ vốn đầu tư giống, phân, hệ thống tưới tiêu... Sau hơn 4 tháng, vườn dưa đạt 37 tấn, bán với giá 8.500 đồng/kg, tổng thu 314,5 triệu đồng. Trừ 150 triệu tiền đầu tư, lợi nhuận chia đôi, tôi nhận được 82 triệu đồng. Trồng dưa không khó, mà cho lợi nhuận cao, hết mùa mì tiếp theo tôi sẽ trồng tiếp.
Ông Trần Lệnh Tuyến cho biết thêm: Trước hiệu quả của mùa dưa thí điểm này, xã nhận được hưởng ứng tích cực từ bà con. Vì dưa hấu được trồng hữu cơ nên đất được cải tạo rất tốt, sau khi kết thúc mùa dưa bà con lại tiếp tục trồng mì. Để ổn định việc liên kết trồng dưa hấu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, xã đã làm việc với một số doanh nghiệp, hợp tác xã thống nhất phương án liên kết. Hiện đã có đơn vị chấp nhận phương án nhà đầu tư bỏ giống, bỏ vốn, bao tiêu đầu ra cho toàn bộ sản phẩm, còn người dân bỏ đất, bỏ công, lợi nhuận thu được sẽ chia đôi. Dự kiến tháng 9/2021 sẽ triển khai liên kết trồng 100ha dưa hấu trên đất nhàn rỗi của bà con.
Văn Tùng