Tích cực ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc
Thời gian này, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh ta đang chịu những tác động không nhỏ do dịch viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương. Sản xuất gặp khó khăn, kinh tế bị thiệt hại khiến nông dân lao đao, lo lắng. Do đó, ngành Nông nghiệp đang dốc sức để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Nỗ lực khống chế dịch
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 8/6, toàn tỉnh ghi nhận 90 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục của 65 hộ chăn nuôi trên địa bàn 5 huyện là Kon Plông, Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Trong đó, có 6 con đã bị tiêu hủy, 84 con đang được chăm sóc, điều trị. Trên địa bàn huyện Đăk Glei có hơn 200 con trâu bò của xã Đăk Nhoong và Đăk Plô mắc bệnh tụ huyết trùng bị chết và phải tiêu hủy.
Trước nỗi lo dịch chồng dịch đe dọa đàn gia súc và gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khoanh vùng, khống chế nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.
|
Ông Phạm Ngọc Hiếu- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cử cán bộ chuyên môn xuống từng địa phương triển khai các biện pháp giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện và tổ chức xử lý, bao vây, khống chế các ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, điều trị cho trâu, bò mắc bệnh. Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các mầm bệnh. Cùng với việc ngăn chặn dịch, để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi một cách căn cơ, hiện nay, Chi cục đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; trước hết là ưu tiên cho các địa phương đang có dịch.
Cùng với ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ đàn gia súc.
Điển hình như tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), một trong những địa phương có tổng đàn vật nuôi khá lớn với trên 1.200 con trâu, bò. Những năm qua, địa phương này luôn chú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Tuy nhiên, trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục - loại bệnh mới lần đầu xâm nhập vào địa bàn, thời gian đầu chính quyền xã Ya Xiêr gặp không ít khó khăn, lúng túng. Chỉ trong ít ngày cuối tháng 5, toàn xã có 14 con trâu, bò bị bệnh. Tuy nhiên, sau khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng yêu cầu đề ra từ việc vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng, khoanh vùng ổ dịch, cách ly gia súc bị bệnh, nghiêm cấm các hoạt động vận chuyển ra súc ra khỏi địa phương…Nhờ đó, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người dân.
Còn tại xã Đăk Nhoong và Đăk Plô, chính quyền các địa phương này đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch như điều trị cho gia súc mắc bệnh, tiêu hủy gia súc bị bệnh chết, tiêm vắc xin cho toàn bộ đàn gia súc. Bên cạnh đó, các xã tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc để tránh không cho dịch bệnh lây lan, phát tán ra các địa phương khác. Trong đợt này, các xã cũng tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, chủ động chăm sóc, bảo vệ gia súc của gia đình. Kết quả, dịch bệnh tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò ở hai địa phương này đang từng bước được khống chế.
Có thể nói, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng cho đàn gia súc đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương có dịch thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc.
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn trâu, bò đang được chủ động thực hiện và có những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế cho thấy việc dập tắt dịch và công tác phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc còn không ít những khó khăn, vướng mắc.
Về mặt khách quan, do thời điểm này, thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan; sức đề kháng của vật nuôi yếu làm cho đàn gia súc dễ mắc bệnh, lây bệnh. Về mặt chủ quan, do tập quán chăn nuôi thả rông gia súc vẫn phổ biến ở nhiều nơi vùng đồng bào DTTS, khiến cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh ta luôn vấp phải nhiều trở ngại; người chăn nuôi không chú ý vệ sinh môi trường, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học, không chủ động tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi dẫn đến dịch bệnh dễ phát sinh và phát triển nhanh, lây lan rộng.
|
Chẳng hạn như ở Đăk Glei, sở dĩ dịch bệnh tụ huyết trùng xảy ra với số lượng trâu, bò mắc bệnh và bị chết nhiều, là do người dân ở đây đều chăn thả gia súc trên rừng, không chú ý theo dõi sức khỏe nên khi trâu, bò bị bệnh đã không được phát hiện kịp thời để tổ chức điều trị, khoanh vùng, chặn dịch. Mặt khác, khu vực chăn thả gia súc của các hộ dân thường ở trong một khu vực rừng rộng lớn nên khi xảy ra dịch bệnh rất khó xác định vùng bị dịch, vùng nguy cơ và vùng đệm để triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống hiệu quả. Ngay cả khi trâu, bò bệnh thì việc tập hợp, đưa trâu bò từ rừng về để lực lượng chức năng điều trị, tiêm phòng cũng rất khó khăn, vất vả.
Bên cạnh đó, không ít người dân, do thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng, chống bệnh cho vật nuôi nên một số trâu, bò sau khi được điều trị, dù chưa đủ thời gian để kháng bệnh, nhưng khi nhận thấy trâu, bò có tiến triển, người dân liền đưa đàn trâu, bò của gia đình vào lại rừng để chăn thả, dẫn đến việc trâu bò bị chết, khó quản lý gia súc mắc bệnh. Ngoài ra, một bộ phận người dân khi thấy gia súc bị bệnh chết thì không báo với chính quyền địa phương để thực hiện tiêu hủy bắt buộc mà tự ý giết mổ, chia cho người dân trong làng cùng sử dụng; một số hộ khi thấy trâu bò bệnh thì bán chạy với mong muốn giảm bớt thiệt hại. Tất cả những điều này khiến dịch bệnh bùng phát nhanh, khó kiểm soát.
Hay như tại một số địa phương trên địa bàn huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum, người dân thường ở tập trung đông, chuồng trại chăn nuôi gần nhau. Trong khi, việc vệ sinh chuồng trại, môi trường không đảm bảo nên khi dịch bệnh xảy ra lây lan, phát tán rất nhanh.
Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, chắc chắn dịch bệnh trên đàn gia súc sẽ sớm được ngăn chặn, khống chế. Tuy nhiên, để bảo vệ đàn gia súc một cách hiệu quả, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, người dân cần chủ động tiêm phòng, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi để hạn chế xảy ra dịch bệnh, giảm bớt rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Thiên Hương