Tích cực nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP
Sau gần 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng (OCOP) trên địa bàn tỉnh, phong trào sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng được các doanh nghiệp tích cực thực hiện. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển về số lượng thì việc nâng hạng sao sản phẩm OCOP cũng là vấn đề được các cấp, các ngành và các chủ thể sản xuất của tỉnh ta chú trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 - 5 sao. Trong đó, có 96 sản phẩm đạt 3 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm cấp Quốc gia là sản phẩm cà phê rang xay DakMark của Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng huyện Đăk Hà).
Các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP đều phát triển khá đồng đều về mẫu mã và chất lượng, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và từng bước tạo dựng chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các sản phẩm OCOP nhiều, song chủ yếu mới đạt tiêu chuẩn 3 sao, nghĩa là mới dừng lại ở mức trung bình, đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của chương trình đưa ra. Đặc biệt, là các sản phẩm được công nhận, xếp hạng trong năm 2019 và 2020 hầu hết chỉ được xếp hạng 3 sao.
|
Hạng sao OCOP được coi là thước đo về chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, nâng hạng sao cho sản phẩm là một trong những vấn đề luôn được các cấp, các ngành của tỉnh đặt ra, nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị thường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn và hạn chế về chất lượng, hình thức tổ chức sản xuất, mẫu mã bao bì sản phẩm... của các doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là rào cản khiến sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP chưa đạt được mức cao.
Nhận diện rõ những vướng mắc này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, cùng với các địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhãn mác, bao bì, tem truy xuất…cho các chủ thể sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Có sự trợ giúp, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nỗ lực hơn, mạnh dạn đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao. Nhờ vậy, trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh lần 1 năm 2021 vừa qua, dù số lượng các sản phẩm OCOP được công nhận trong đợt này không nhiều hơn, thậm chí thua xa so với một số lần trước, nhưng chất lượng có sự nâng lên rõ rệt.
Minh chứng là số lượng sản phẩm được xếp hạng 4 sao đạt khá cao, toàn tỉnh có 21 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, thì có tới 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao, chiếm tỷ lệ 58% tổng số sản phẩm 4 sao được công nhận trong gần 3 năm qua. Đặc biệt, trong 7 sản phẩm đạt 4 sao này có tới 6 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng.
Các sản phẩm OCOP khi đạt 4 - 5 sao sẽ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, có cơ hội để vươn xa trên thị trường và hướng đến xuất khẩu, từ đó mang lợi nhuận cho doanh nghiệp, người sản xuất. Đây là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP để xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của các địa phương.
Theo kế hoạch của chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025, tỉnh ta đề ra mục tiêu là quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP với khoảng 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.
Với quan điểm Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP thì cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành thì hơn hết mỗi đơn vị, cơ sở sản xuất cần chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Có như vậy, chương trình OCOP của tỉnh mới có bước tiến về cả lượng và chất.
Thùy Hương